Những năm gần đây, hiện tượng bắt cóc trẻ em, côn đồ xông vào bệnh viện đập phá bệnh viện, hành hung bác sỹ hay nạn trộm cắp vặt, móc túi, tình trạng cò mồi lôi kéo người bệnh… xuất hiện khá nhiều và dường như người dân cũng chẳng thấy… xa lạ gì với những hình ảnh này.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng đa số các bệnh viện tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải, người người chen chúc đến khám, người nhà bệnh nhân mặt mũi phờ phạc, ngồi chờ chật kín các hành lang…. Tất cả đã trở thành môi trường “béo bở” cho đủ kiểu dịch vụ bát nháo ăn theo và nguy hiểm nhất là các loại tội phạm phát sinh, gây tình trạng mất an toàn trong bệnh viện.
Giáo sư Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Thực trạng an ninh trật tự tại các cơ sở y tế đã ở mức báo động. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công cuộc xã hội hóa lĩnh vực y tế ngày càng mạnh mẽ, nếu không có sự phối hợp kịp thời giữa các ban ngành thì tình trạng mất trật tự an ninh tại các cơ sở y tế sẽ còn diễn biến ngày càng phức tạp hơn, tới mức mất kiểm soát.”
Vào viện là… sợ
Một tâm trạng thoải mái, một tinh thần nhẹ nhõm sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công của bất kỳ liệu pháp điều trị bệnh tật nào. Nhưng nếu mở một cuộc thăm dò xã hội ở thời điểm này, tạm bỏ qua yếu tố lo vì bệnh nặng, sẽ khó tìm ra được một người bệnh nào có tâm trạng nhẹ nhàng khi vào viện khám.
Gần 8 giờ sáng, tại khu vực khám cho các bệnh nhân có bảo hiểm y tế và khu vực dịch vụ của Bệnh viện K (Hà Nội), người xếp hàng đông nườm nượp. Ở đây, người thành thị cũng có mà những người dân nông thôn mới lên thủ đô cũng không ít.
Một tay khệ nệ ôm một túi đồ khá to, một tay nào thì giấy khám bệnh, sổ khám, phiếu thu, giấy làm xét nghiệm, chụp X quang... bác Nguyễn Thị Thu ở Yên Bái cố lách trong dòng người đang chen chân nhau chờ đến lượt.
Kéo bác ra từ dòng người chờ khám bệnh đó, khi hỏi về việc đảm bảo tiền bạc, hành lý bác Thu chia sẻ: “Đi khám bệnh quả là cực. Người xếp hàng đông chờ một nhẽ lại thêm việc cứ phải ngó trước, rào sau việc giữ tiền vì sợ mất cắp.”
Là người dân ở tỉnh vượt đường xa xuống tuyến Trung ương khám bệnh, nên bác Thu phải mang theo một số tiền kha khá để lo tiền ăn ở, khám bệnh và xe cộ đi lại. Với người phụ nữ này nỗi lo về bệnh tật vẫn thường trực nay thêm cả nỗi ám ảnh mất cắp... có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Còn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi từng xảy ra trường hợp trẻ sơ sinh bị bắt cóc (tháng 11/2011-PV), không ít bà mẹ đã có những tâm lý rất đề phòng.
Vừa sinh con sáng hôm trước, chị Nghĩa (ở Hoàng Mai, Hà Nội) kể, chiều cùng ngày bác sỹ giao bé về cho mẹ, mình mặc dù còn yếu nhưng lúc nào cũng phải để mắt đến con khi người nhà chạy ra ngoài có việc.
Theo chị Nghĩa: “Nhiều vụ bắt cóc trẻ sơ sinh đã xảy ra, nên dù mệt mỏi mình vẫn không có một chút lơ là. Con sinh ra là cả tính mạng, niềm hy vọng của cả gia đình trông vào.
Tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, chị N.T.H (51 tuổi) ở Hưng Yên cho hay, chị nhập viện để sinh thiết phổi và được phân vào nằm ghép với ba bệnh nhân khác.
Khi được hỏi nếu như bốn bệnh nhân nằm 1 giường như vậy thì chị ngủ đâu? Chị H. cho hay, do bệnh chị nhẹ, nên chị chỉ ngồi và thậm chí đến tối thì nằm ngoài hành lang, nhường giường bệnh cho những bệnh nhân nặng khác.
Nói về việc bảo quản đồ đạc, chị H. cho hay, quả thực, một phòng bệnh chật cứng như phòng của chị gần chục giường, mà mỗi giường 3-4 bệnh nhân, chưa kể lượng người nhà đi chăm sóc theo, nên tiền nong mang theo chị đều phải đề phòng bằng cách… giắt hết quanh thắt lưng.
Bệnh nhân lo
Qủa thực, môi trường bệnh viện thời gian gần đây là nơi để các đối tượng xấu vào lợi dụng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Tại Bệnh viện mắt Trung ương (Hà Nội), chị N.C.T ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng vì trong chỉ vài tích tắc chiếc túi hàng hiệu của chị bị rạch rất “ngọt” và nhanh mà chị không hề biết.
Chị T cho hay: “Lâu lắm rồi tôi mới vào bệnh viện, vì thế không nghĩ là phải đề phòng trộm cắp đến vậy. Mấy ngày gần đây, mắt chị mờ do bị thiên đầu thống, chị mới đến bệnh viện để khám.”
Vậy mà khi vừa gửi xe xong, chị vào thang máy để đi lên phòng khám thì kẻ gian lợi dụng thang máy đông người đã rạch phăng chiếc túi da của chị rất mau lẹ lấy đi chiếc ví với khá nhiều tiền và giấy tờ bên trong. Sau khi ra khỏi thang máy, luống cuống lấy tiền và giấy tờ để khám chị ngớ người ra vì chiếc túi bị rạch lúc nào không hay.
Nhận định về vấn đề này, giáo sư Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, cho đến nay chưa có con số thống kê chính thức về số vụ lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản được công bố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vụ việc ngày càng tăng lên, diễn ra tại hầu khắp các bệnh viện, cơ sở y tế từ tuyến cơ sở tới trung ương.
Theo ông Dũng, tại một số bệnh viện, có những thời điểm một đêm diễn ra hàng loạt vụ trộm cắp. Ở tuyến Trung ương và các đô thị lớn, hầu như 100% các bệnh viện đều xảy ra tình trạng trộm cắp, móc túi với số tiền lên tới cả chục triệu đồng/vụ.
Mức độ cao hơn, nguy hiểm hơn so với trộm cắp là tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại các cơ sở y tế lớn, ngay cả nhân viên y tế cũng không thể biết hết mặt nhau, chưa kể một lượng lớn nhân viên thực tập cũng mặc áo của nhân viên y tế. Đây chính là cơ hội cho những kẻ gian giả danh nhân viên y tế trà trộn vào lừa đảo người nhà bệnh nhân.
Điển hình nhất là vào cuối tháng Hai vừa qua, Phòng bảo vệ chính trị nội bộ (Bệnh viện Bạch Mai) đã bắt quả tang một “bác sỹ” dỏm đang lừa bệnh nhân ngay tại phòng bệnh. Kẻ giả danh này tự nhận mình là thạc sỹ rồi trà trộn vào đội ngũ bác sỹ của bệnh viện. Không chỉ dừng lại ở hành vi cò mồi thông thường, kẻ giả danh này còn tự nhận mình là thạc sỹ, lập trang web giới thiệu về bác sỹ gia đình, hẹn bệnh nhân ngay tại phòng bệnh… “như đúng rồi”.
Bác sỹ cũng… hãi
Bệnh nhân lo sợ bị lừa đảo, mất cắp là một chuyện, với những bác sỹ, họ cũng có tâm trạng lo sợ nơm nớp này. Đã có rất nhiều vụ người nhà bệnh nhân xông vào đánh, tấn công bác sỹ.
Cụ thể, ngày 12/8/2013, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong khi các y bác sỹ đang cố gắng cấp cứu cho bệnh nhân N.X.H (75 tuổi), thì bị nhiều người nhà ông H. lao vào đánh tới tấp. Bác sỹ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sỹ khác rách giác mạc và vỡ kính cận, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này.
Đỉnh điểm có lẽ là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào tháng 8/2011, khi người nhà bệnh nhân lao vào và đâm chết bác sỹ Phạm Đức Giàu, làm bị thương nặng một bác sỹ khác vì cho rằng các bác sỹ đã chậm chễ trong việc cứu người thân của họ.
Chia sẻ về những nỗi lo từ góc nhìn của bác sỹ tiếp nhận và xử lý bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Thành Nam – Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay trong quá trình làm việc đã có nhiều tình huống bất ngờ, vượt khả năng ứng phó của các nhân viên y tế. Đã có nhiều nhân viên y tế của khoa từng bị người nhà bệnh nhân đe dọa hành hung, trang thiết bị bị đập phá.
Trưa 25/4, trong khi đang phỏng vấn các bác sỹ của Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) về tình hình các bệnh nhân sởi nặng đang phải điều trị, người viết bài bất ngờ nghe thấy tiếng chửi bới, lăng mạ của một người nhà bệnh nhân nặng đe dọa các bác sỹ và cảnh cáo “tao sẽ giết hết chúng mày.”
Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng bất an đó trong viện, nhiều người đã bị sốc. Bác sỹ Nam bình tĩnh cho hay, đó là chuyện thường gặp ở bệnh viện khi người nhà của bệnh nhân bị kích động, tuy nhiên các bác sỹ cũng đã quen và rất đề phòng khi xảy ra tình huống xấu để gọi lực lượng bảo vệ kịp thời.
Nhu cầu được bảo đảm an toàn trong khám, chữa bệnh của người dân cũng như nhu cầu được hành nghề khám chữa bệnh trong điều kiện an toàn của người thầy thuốc và nhân viên y tế là đòi hỏi chính đáng của cả hai phía. Tuy nhiên, vì sao tình trạng bất ổn tại các bệnh viện vẫn chưa được giải quyết triệt để vẫn là một câu hỏi băn khoăn của nhiều người./.
Bài 2: Bệnh viện ở Hà Nội: Mải chuyên môn, lơ là an ninh, trật tự