Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào sản xuất và đời sống.
Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh tại Hội thảo và triển lãm quốc tế về Internet vạn vật và bảo mật thông tin 2019, chủ đề "IoT và bảo mật thông tin: Hướng tới một thế giới kết nối và an toàn" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/11.
Theo ông Phạm Hồng Hải, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xuất hiện nhiều công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, bigdata, phân tích dữ liệu đã tạo ra sự thay đổi chưa từng có cho các ngành kinh tế nói riêng và xã hội nói chung.
Trong số đó, công nghệ IoT với khả năng kết nối vạn vật có thể kết nối vật thể lẫn con người trong thế giới thực thành một thế giới ảo cũng như có khả năng tối ưu hóa điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp. Sức mạnh và hiệu quả của sự kết nối đã được chứng minh ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước.
Nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã triển khai trạm phát sóng 5G, xây dựng đề án đô thị thông minh hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập từ các thiết bị thông minh...
Tuy nhiên, đi cùng với những lợi thế vượt trội, hoạt động kết nối vạn vật cũng trở thành mục tiêu tấn công của nhiều loại tội phạm công nghệ cao dẫn theo các mối nguy về mất an toàn thông tin, an ninh quốc gia.
Vì vậy, trong bối cảnh công nghệ IoT phát triển bùng nổ, việc hoàn thiện năng lực dự báo, phòng ngừa và ứng phó với các lỗ hổng an toàn, an ninh thông tin phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy ứng dụng công nghệ IoT, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và tối ưu hóa hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp.
[Việt Nam tăng cường năng lực phòng, chống tấn công mạng]
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin-Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ ứng dụng IoT ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh đã được bao phủ bởi mạng IoT bằng các trạm phát sóng Internet NB-IoT ở tất cả các quận, huyện.
Một số doanh nghiệp đã triển khai giải pháp IoT vào lĩnh vực nông nghiệp như IQShrimp của Cargill, Smart Agri của Global Cybersoft...
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thiết bị IoT. Một số ít doanh nghiệp tham gia vào công đoạn gia công, sản xuất có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ thông tin toàn cầu.
Nếu thực tế này không được cải thiện thì khi đẩy mạnh triển khai IoT, Việt Nam chỉ có thể trở thành thị trường bán hàng IoT cho các nước khác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ về kinh tế mà còn cả an toàn thông tin và an ninh quốc gia. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải nâng cao mức độ sẵn sàng và giá trị của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông Việt Nam, trong đó, tập trung vào các yếu tố chính là sản phẩm, dịch vụ như 5G, AI, bigdata, IoT; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đa dạng thị trường và loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng.
Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển khoa học công nghệ.
Phân tích về tình trạng mất an toàn thông tin, ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cùng với sự phát triển của IoT, nguy cơ mất an toàn thông tin cũng tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân.
Nếu như năm 2016, số lượng mẫu mã độc trên thiết bị IoT là hơn 3.200, đến năm 2018 con số này đã lên tới hơn 121.500, trong đó 63% xuất phát từ hệ thống camera giám sát, 20% từ các router, modem DSL...
Nguy cơ mất an toàn thông tin xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như tồn tại điểm yếu, lỗ hổng trên thiết bị IoT, mật khẩu mặc định hoặc dễ đoán, năng lực về an toàn thông tin của nhà sản xuất hạn chế và người sử dụng chưa nhận thức được nguy cơ cũng như hậu quả của việc mất an toàn thông tin.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin trong không gian IoT, cần có giải pháp đồng bộ cho toàn bộ các nhân tố tham gia vào môi trường này.
Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nền tảng, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho IoT; xây dựng hành lang pháp lý theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa và thực thi kiểm định; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dùng.
Nhà sản xuất và phát triển IoT phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, bắt buộc người dùng thay đổi mật khẩu, tự động hóa cập nhật phần mềm bảo mật và coi yếu tố an toàn thông tin cho thiết bị chính là lợi thế cạnh tranh quan trọng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, tổ chức, cá nhân người sử dụng dịch vụ cũng cần cân nhắc đến tính an toàn của sản phẩm IoT trước khi sử dụng, đồng thời thiết lập quy trình bảo mật cho thiết bị hoặc thay thế khi cần thiết./.