Bệnh tăng động ở trẻ em có liên quan tới nhiều yếu tố có thể điều chỉnh như triệu chứng dị ứng, thiếu máu, nồng độ serotonin thấp và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Đây là kết luận của các nhà khoa học Đài Loan (Trung Quốc) đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố ngày 14/8.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học thuộc Học viện Sinica ở Đài Loan đã tiến hành các nghiên cứu so sánh giữa 216 học sinh tiểu học mắc chứng tăng động và 216 em khác không tăng động.
Kết quả cho thấy trẻ em ở độ tuổi đến trường có những dấu hiệu dị ứng có nguy cơ mắc bệnh tăng động cao hơn gấp 2 lần do với những trẻ khác.
Ngoài ra, trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị tăng động cao hơn từ 6-7 lần nếu xuất hiện ít nhất 4 chất hóa sinh bất thường.
[Trẻ em xem tivi, máy tính nhiều có nguy cơ bị béo phì, tăng động]
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trẻ tăng động thường ăn ít những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau củ và trái cây, trong khi tiêu thụ nhiều thực phẩm không lành mạnh, đặc biệt là thức ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ.
Tiến sỹ Pan Wen-harn, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng thói quen ăn uống lành mạnh hơn sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh tăng động ở trẻ em.
Theo chuyên gia trên, ngoài việc đưa con tới bệnh viện để điều trị các chứng bệnh dị ứng và thiếu máu nếu có, cha mẹ cũng cần khuyến khích con em mình ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn và tránh xa các món ăn chiên rán và đồ ngọt.
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em.
Đặc điểm của chứng bệnh này là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập cũng như trong quan hệ với mọi người.
Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có 3-5 trẻ mặc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7./.