Ngày 11/8, các bác sỹ làm việc tại bệnh viện ở vùng England của Anh đã tiếp tục phát động cuộc đình công kéo dài bốn ngày nhằm yêu cầu tăng 35% lương.
Cuộc đình công dự kiến bắt đầu lúc 7h ngày 12/8 và kết thúc lúc 7h ngày 15/8 (giờ địa phương).
Đây là cuộc đình công thứ năm của các bác sỹ trẻ mới hành nghề, lực lượng chiếm khoảng 50% số bác sỹ làm việc tại các bệnh viện ở Anh.
Làn sóng đình công của các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế yêu cầu tăng lương ngang hoặc cao hơn lạm phát đã khiến nhiều bệnh nhân bị hủy hoặc hoãn lịch hẹn thăm khám và điều trị. Giới chức y tế Anh ước tính các cuộc đình công kéo dài đã gây thiệt hại 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).
[Tòa án Anh phán quyết kế hoạch đình công của y tá là "trái luật"]
Bộ trưởng Y tế Anh Steve Barclay đã chỉ trích việc các bác sỹ từ chối đề xuất của chính phủ tăng 6% lương cộng với khoản trợ cấp một lần trị giá 1.250 bảng Anh, cho rằng hành động đình công làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân.
Trong khi đó, các bác sỹ cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đình công và cáo buộc chính phủ từ chối đàm phán. Theo Hiệp hội Y khoa Anh (BMA), lương của các bác sỹ trẻ mới hành nghề đã giảm 26% trong 15 năm qua.
NHS đã bị gián đoạn hoạt động do các nhân viên y tế đình công đòi tăng lương để ứng phó với lạm phát kỷ lục, nhưng Chính phủ Anh đã bác bỏ lời kêu gọi tăng lương khi cho rằng điều này có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa.
Tình trạng gián đoạn hoạt động đã khiến hàng nghìn cuộc hẹn khám tại bệnh viện bị hủy bỏ, tăng áp lực lên NHS vốn gặp nhiều khó khăn để giải quyết danh sách chờ kỷ lục.
Theo dữ liệu của NHS công bố ngày 10/8, trong tháng Sáu vừa qua, danh sách chờ khám bệnh tại các bệnh viện ở vùng England đã tăng kỷ lục lên 7,6 triệu người./.