Sau khi Đức khuyến cáo chỉ nên tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi, Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE) và Anvisa - Cơ quan quản lý y tế của Brazil ngày 28/1 đã ra tuyên bố khẳng định hiệu quả và độ an toàn của loại vắcxin này.
Bà Mary Ramsay - người phụ trách vấn đề chủng ngừa của PHE, nêu rõ vắcxin của AstraZeneca tạo ra phản ứng miễn dịch đảm bảo cho người cao tuổi, mặc dù dữ liệu về mức độ bảo vệ chính xác không đồng đều.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng ra ra tuyên bố khẳng định vắcxin của AstraZeneca hiệu quả với tất cả các nhóm người có tuổi khác nhau.
Tháng 12/2020, Anh là nước đầu tiên cấp phép sử dụng vắcxin của AstraZeneca. Trong khi đó, các nhà quản lý dược phẩm châu Âu dự kiến đưa ra quyết định về việc cấp phép lưu hành vắcxin này trong ngày 29/1.
Cùng ngày, Anvisa cho biết các dữ liệu về Covidshield - vắcxin ngừa COVID-19 do Đại học Oxford và AstraZeneca phối hợp phát triển, an toàn đối với người lớn tuổi. Về hiệu quả của vắcxin này đối với nhóm người trên 65 tuổi, Anvisa cho biết không thể xác định do số lượng người lớn tuổi tham gia các nghiên cứu cho đến nay chưa được thống kê thỏa đáng.
Trước đó, Ủy ban vắcxin của Viện Robert Koch (STIKO) của Đức ngày 28/1 khuyến cáo chỉ nên tiêm vắcxin của AstraZeneca cho người dưới 65 tuổi, viện dẫn lý do chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá hiệu quả của vắcxin đối với người trên 65 tuổi. AstraZeneca ngày 25/1 cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng vắcxin của hãng này không hiệu quả với người trên 65 tuổi.
Giám đốc Điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cho biết công ty này có ít dữ liệu hơn các nhà sản xuất khác về tác dụng của vắcxin đối với người cao tuổi vì hãng này bắt đầu tiêm cho người cao tuổi muộn hơn.
Trong khi đó, báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 29/1 đưa tin AstraZeneca Plc sẽ xin cấp phép lưu hành vắcxin của hãng tại Nhật Bản sớm nhất vào giữa tháng Hai tới. AstraZeneca hiện chưa có phản hồi nào về thông tin nói trên.
Chính phủ Nhật Bản ngày 28/1 thông báo nước này có hợp đồng mua 120 triệu liều vắcxin của AstraZeneca và ít nhất 90 triệu liều vắcxin sản xuất trong nước. Nước này đang tìm cách khởi động chương trình tiêm chủng vắcxin của Pfizer vào cuối tháng Hai tới, ưu tiên đội ngũ nhân viên y tế.
So với nhiều nước lớn khác, chiến dịch tiêm chủng tại Nhật Bản chậm trễ hơn do nước này phụ thuộc vào các nguồn cung vắcxin từ nước ngoài, trong khi việc đưa vào sử dụng vắcxin cần cơ quan chức năng trong nước đánh giá và cấp phép.
[EU và AstraZeneca không tạo được đột phá trong việc giao vắcxin]
Cùng ngày, giới chức y tế Bỉ đã thanh tra một nhà máy sản xuất vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng được AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phát triển. Hoạt động thanh tra này được tiến hành theo yêu cầu của Liên minh châu Âu sau những căng thẳng liên quan vấn đề phân phối vắcxin.
Người phát ngôn của Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Bỉ (AFMHPS), Ann Eeckhout cho biết lực lượng chức năng đang xem xét tài liệu và dữ liệu tại nhà máy ở Seneffe.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết kết quả thanh tra sẽ do các chuyên gia đến từ các nước thành viên trong khối phân tích và sẽ được chia sẻ với EC.
Nhà máy ở Seneffe do công ty ThermosFisher của Mỹ vận hành, sản xuất vắcxin Covidshield theo ủy quyền của AstraZeneca. Nhà máy này là tâm điểm trong những tranh cãi gần đây giữa EU và AstraZeneca liên quan việc hãng dược phẩm này cắt giảm số lượng vắcxin phân phối cho các nước thành viên trong khối.
Theo một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Bỉ, cuộc thanh tra này nhằm xác minh hoạt động sản xuất vắcxin tại nhà máy này có gặp vấn đề hay không - lý do AstraZeneca đưa ra để giải thích cho việc cắt giảm tới 60% số lượng vắcxin cung cấp cho EU trong quý đầu năm.
EC khẳng định đây là lý do không thể chấp nhận được khi hãng dược phẩm này vẫn đảm bảo cung cấp vắcxin cho Anh. Brussels nêu rõ hợp đồng của EU với AstraZeneca bao gồm điều khoản các nhà máy sản xuất của Anh nằm trong chuỗi cung ứng vắcxin cho châu Âu, đồng thời nhấn mạnh AstraZeneca cần đảm bảo cam kết về chuyển giao vắcxin.
Liên quan vắcxin ngừa COVID-19, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 28/1 khuyến nghị thời gian giãn cách ba tuần giữa hai mũi tiêm vắcxin do Pfizer/BioNTech sản xuất. Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh thiếu nguồn cung vắcxin và có những ý kiến tranh cãi về thời gian giãn cách giữa hai mũi tiêm.
Anh - nước đầu tiên cấp phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech, hiện đã kéo dài thời gian giãn cách giữa hai mũi lên tới 12 tuần nhằm đảm bảo nhiều người dân được tiêm mũi đầu tiên trong khi chờ nguồn vắcxin tiếp ứng sau đó.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai mũi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cần cách nhau bốn tuần, hoặc tối đa là sáu tuần để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh./.