Anh-Đức ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới thời hậu Brexit

Bộ quốc phòng Anh và Đức xác nhận hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới sau khi Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, đưa nước này bước vào tiến trình rời EU.
Anh-Đức ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới thời hậu Brexit ảnh 1Binh sỹ Đức trong một cuộc tập trận. (Nguồn: Getty)

Ngày 19/3, Bộ quốc phòng Anh và Đức xác nhận hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới sau khi Thủ tướng Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, đưa nước này bước vào tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ đang làm việc với Đức để ra một "tuyên bố chung về hợp tác trong tương lai," trong khi đó bộ Quốc phòng Đức xác nhận hai bên đang tiến hành một số dự án chung.

Phía Đức khẳng định những tác động của Brexit không ảnh hưởng gì đến quan hệ song phương, cũng như việc nước Anh vẫn là một đối tác mạnh và là đồng minh của Đức trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo tờ Financial Times, việc Anh, Đức sớm ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng là do Thủ tướng Theresa May muốn khẳng định cam kết rằng London sẽ không quay lưng lại với EU thời hậu Brexit.

Thủ tướng May muốn nhấn mạnh tới những đóng góp to lớn của Anh đối với an ninh châu Âu, nhằm tìm kiếm thiện chí từ 27 nước thành viên EU, trong bối cảnh nhiều thông tin cho rằng các cuộc đàm phán Brexit được cho là sẽ diễn ra rất căng thẳng, thậm chí có thể dẫn đến đổ vỡ.

Những lĩnh vực hợp tác quốc phòng giữa hai nước bao gồm an ninh mạng, đào tạo và tuần tra trên biển. Trong năm 2017, các máy bay trực thăng đời mới Wildcat của Anh sẽ được triển khai từ một đơn vị của Đức đóng tại Địa Trung Hải.

Ngoài Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng đã trao đổi với một số nước trong EU về việc xây dựng mối liên kết quân sự, một động thái nhằm tái khẳng định cam kết của London trongvấn đề an ninh châu Âu và NATO.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng vai trò của London đối với an ninh châu Âu là vô cùng quan trọng đối với lợi ích của các quốc gia khác trong EU - một dấu hiệu cho thấy Anh có thể mở rộng một số hình thức hợp tác với châu Âu thời hậu Brexit.

Hiện Đức đang lo lắng về trách nhiệm quốc phòng của nước này đối với châu Âu đang gia tăng, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn rằng hầu hết các đối tác châu Âu của Mỹ, trong đó bao gồm Đức, đã đóng góp quá ít cho ngân sách quốc phòng chung của NATO và dựa vào quá nhiều vào Mỹ.

Biểu tượng chính trị của sự hợp tác quốc phòng mới Anh-Đức có ý nghĩa to lớn, trong bối cảnh Brexit đang gần kề và Washington đang xem xét lại vai trò quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Anh và Đức coi việc hợp tác quân sự giữa hai nước là vô cùng quan trọng trên mặt trận chung Đông Âu, trong bối cảnh NATO lo ngại về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cũng như việc Nga tăng cường triển khai quân tại các vùng biên giới phía Tây của nước này. Hiện Anh đang dẫn đầu lực lượng NATO đóng quân tại Estonia, trong khi đó Đức giữ vai trò này tại Lithuania. Bên cạnh đó, Anh và Đức còn cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.