Đêm 18/2 (theo giờ Việt Nam) Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm kiếm thỏa thuận cải cách khối này với mục đích chính là để giữ Anh ở lại trong "mái nhà chung" châu Âu.
Ngay trước khi bước vào cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo rằng những cuộc đàm phán vẫn rất khó khăn để có thể đi tới một thỏa thuận được cả Anh và các nước EU khác chấp thuận.
Ông tuyên bố "Chúng ra đang ở giữa một giai đoạn đàm phán rất khó khăn và nhạy cảm về các đề xuất của Anh. Một điều chắc chắn đây sẽ là cuộc họp chỉ có thành công hay thất bại."
Trước đó, ông Tusk cũng cảnh báo chưa có gì đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo EU có thể đạt được thỏa thuận giữ Anh ở lại khối này.
Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào nếu nó không đáp ứng được các đòi hỏi của Anh. Ông cũng tuyên bố không thể vội vàng nhưng thiện chí cũng như nỗ lực sẽ giúp đạt được một thỏa thuận có lợi cho Anh.
Đảng Bảo thủ của ông Cameron dự kiến sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngay trong năm nay về vấn đề có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không.
Những đề xuất của ông Cameron bao gồm xây dựng năng lực cạnh tranh vào thực tiễn hành động của EU; đảm bảo rằng các quốc gia không sử dụng đồng euro, trong đó có Anh, không bị phân biệt đối xử, xác định rõ rằng nước Anh không bị bắt buộc chính thức phải đưa liên minh đến gần hơn với các đối tác châu Âu của mình; và áp dụng những sự hạn chế về di trú và phúc lợi.
Các cuộc thảo luận riêng trước đó giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Anh đã bộc lộ những bất đồng sâu sắc, đặc biệt là việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân châu Âu làm việc tại Anh.
Đòi hỏi này của phía Anh đã làm dấy lên sự phản đối tại Trung Âu và Đông Âu khi hàng trăm nghìn người đã tới Anh và hưởng trợ cấp một khi họ ký hợp đồng lao động. Pháp cũng đứng đầu một nhóm phản đối các nước như Anh không sử dụng đồng euro.
Nếu hội nghị này thất bại, Thủ tướng Anh tuyên bố mọi khả năng đều có thể xảy ra, trong đó có thể Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. Anh cũng từng tiến hành trưng cầu dân ý vào năm 1975 về việc ở lại trong EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu).
Đa số dân chúng Anh đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU, đúng 2 năm sau khi gia nhập khối này. Khi đó, Công Đảng cầm quyền cho rằng nước Anh sẽ bỏ lỡ cơ hội thịnh vượng của châu Âu nếu rời khỏi khối này./.