Tối 7/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp nhau tại Strasbourg của Pháp, thảo luận vấn đề khủng hoảng di cư và viễn cảnh "Brexit," tức khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc gặp không chính thức giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu EU diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến vào 18-19/2 tới, mà chủ đề chính cũng là hai vấn đề trên.
Theo một nguồn tin ngoại giao, trong nỗ lực bảo vệ hiệp ước Schengen trước cuộc khủng hoảng người di cư chưa có dấu hiệu lắng dịu, Paris và Berlin đang cân nhắc một loạt giải pháp, trong đó có thiết lập các "điểm nóng," tức các trung tâm tiếp nhận người tị nạn, trục xuất người di cư trái phép, thực hiện tái phân bổ người di cư trong EU...
Trong tuần qua, cả Đức và Pháp đã tiến hành các cuộc tiếp xúc với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận khả năng nâng cao hiệu quả giải quyết dòng người di cư và tị nạn đổ vào EU.
Cuộc đàm phán nhằm giữ chân Anh ở lại EU cũng được hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức tập trung bàn thảo trong bối cảnh London có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này tiếp tục là thành viên hay rời khỏi EU vào tháng Sáu tới.
Mặc dù hồi tuần trước, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đưa ra những đề xuất nhằm tiến tới thỏa thuận giữ Anh ở lại EU, song nhiều nước EU lại không ủng hộ những bước nhượng bộ như vậy đối với London. Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò ý kiến tại Anh công bố cuối tuần qua cho thấy vẫn có 45% người Anh được hỏi muốn rời khỏi EU, so với khoảng 36% ủng hộ ở lại.
Đây là cuộc gặp thứ hai theo hình thức này giữa lãnh đạo Pháp và Đức, sau cuộc gặp đầu tiên diễn ra ngày 30/1/2015 ở Strasbourg, với chủ đề thảo luận khi đó là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trầm trọng ở Hy Lạp và khả năng Athens phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)./.