Lãnh đạo EU không mặn mà với đề xuất giữ chân Anh trong khối

Không một nhà lãnh đạo nước EU nào "hài lòng" với những đề xuất nhằm tiến tới thỏa thuận giữ Anh ở lại khối này, được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố ngày 1/2.
Lãnh đạo EU không mặn mà với đề xuất giữ chân Anh trong khối ảnh 1Chủ tịch EC Donald Tusk. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/2, hãng tin AFP (Pháp) dẫn một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh, cho biết tới nay, không một nhà lãnh đạo nào trong EU tỏ ra "hài lòng" với những đề xuất nhằm tiến tới thỏa thuận giữ Anh ở lại khối này mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố ngày 1/2.

Tổng thống Pháp Francois Hollande từng cảnh báo sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận và cũng tỏ ra quan ngại về những đề xuất liên quan tới những biện pháp bảo vệ các quốc gia không thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tây Ban Nha cũng không hài lòng khi cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) thiếu cứng rắn trước các yêu cầu về hạn chế phúc lợi xã hội đối với lao động nhập cư từ các quốc gia thành viên EU khác.

Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia trước đó cũng tỏ ra lo ngại về kế hoạch phúc lợi xã hội, khi cho rằng đề xuất trên sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử với hàng trăm nghìn lao động nhập cư đến từ các quốc gia này.

Sự thiếu "hài lòng" này phần nào cho thấy những đề xuất mà Chủ tịch Donald Tusk đưa ra, dù là cân bằng và vừa phải, song ít khả năng một thỏa thuận sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh toàn khối dự kiến diễn ra vào ngày 18, 19/2 tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đối tác trong liên minh nhằm đảm bảo thỏa thuận sẽ được thông qua trong hội nghị tới.

Theo kế hoạch, ông Cameron sẽ thăm Ba Lan và Đan Mạch trong ngày 5/2, với nỗ lực vận động ngoại giao nhằm kêu gọi sự vận ủng hộ từ 2 đối tác chưa thực sự tin tưởng vào thỏa thuận này.

Ông Cameron cũng thường xuyên liên lạc với Tổng thống Pháp. Dự kiến, các đoàn ngoại giao của các nước thành viên sẽ có buổi đối thoại đầy đủ đầu tiên về các đề xuất trong ngày 5/2.

Họ sẽ họp lần hai vào ngày 11/2 tới để tìm cách dung hòa các mâu thuẫn, tạo điều kiện cho thỏa thuận được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh toàn khối sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.