Anh gia nhập CPTPP: Nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết Anh là một đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, do vậy việc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường cho Việt Nam.
Hiệp định CPTPP tạo "đòn bẩy" cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các đối tác. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 ngày 25/6 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Theo các chuyên gia, việc Anh tham gia hiệp định CPTPP không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Luồng gió mới" thúc đẩy thương mại

Ngày 16/7/2023, Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký hiệp ước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đánh dấu Vương quốc Anh sẽ là thành viên mới đầu tiên của CPTPP kể từ khi sân chơi này được thiết lập vào năm 2018 đồng thời mở đường cho việc xem xét kết nạp thêm các thành viên khác.

Cùng với việc Chính phủ Anh đã thực hiện các bước cần thiết để phê chuẩn hiệp định CPTPP (ngày 16/5/2024) thì các quốc gia thành viên khác của CPTPP trong đó có Việt Nam cũng phải hoàn thiện các quy trình nội luật hóa của từng nước.

Đánh giá về sự kiện này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết Vương quốc Anh là một đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, do vậy việc Anh gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm thị trường cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán với Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Vương quốc Anh theo hướng Vương Quốc Anh sẽ mở thêm việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam ngoài các FTA song phương đã có, đặc biệt ngành thủy sản sẽ có được những thuận lợi rất lớn khi cam kết chính thức có hiệu lực.

“Đây chính là một điểm sáng của hiệp định CPTPP, cùng đó nhiều nền kinh tế lớn cũng quan tâm và mong muốn gia nhập hiệp định này (như Trung Quốc…) cho thấy vai trò của hiệp định CPTPP ngày càng lớn mạnh và điều đấy chắc chắc tạo ra các động lực mới cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm hơn tới các thành viên CPTPP đặc biệt là Việt Nam,” ông Ngô Chung Khanh nói.

Đối với ngành thủy sản Việt Nam, việc tham gia hiệp định CPTPP đã tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ cho việc xuất khẩu vào thị trường này nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước thành viên.

Thống kê của hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD năm 2022 và đạt khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2023. CPTPP là nhóm thị trường có tỷ trọng tăng trưởng mạnh thứ 2, sau Trung Quốc. Nếu như năm 2018, nhóm thị trường CPTPP chỉ chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì tới năm 2023 con số này chiếm gần 27%.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hơn nữa, việc Vương quốc Anh tham gia CPTPP cũng tạo thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường và hòa nhập bằng việc đa dạng nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, Anh cũng là một đối tác cho các công ty Việt Nam trong hoạt động gia công mặt hàng hải sản từ Anh, ví dụ như như cá tuyết.

Ngoài lĩnh vực trên, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng kỳ vọng sự tham gia của Vương quốc Anh vào CPTPP nhằm thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam (VNSteel) nhận định việc Vương quốc Anh tham gia hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội để ngành thép thúc đẩy xuất khẩu, bởi Anh trước đây cũng là một thành viên của EU và các tiêu chuẩn hàng hóa cũng tương đồng với EU.

“Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thép sang thị trường EU chiếm khoảng 23% tổng lượng xuất khẩu đi và là thị phần rất lớn. Do vậy, khi Anh tham gia hiệp định CPTPP các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục có thêm các đối tác để thúc đẩy xuất khẩu,” ông Thảo nói.

Tận dụng cơ hội để xuất khẩu

Những năm gần đây, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh tăng trưởng ở mức ổn định, với kim ngạch thương mại đạt trung bình 6,56 tỷ USD trong giai đoạn từ 2020-2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Vương quốc Anh bao gồm dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, cùng với các sản phẩm nông sản như cà phê, hạt điều và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh các mặt hàng như máy móc, thiết bị và dụng cụ cơ khí, dược phẩm và hóa chất.

Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn đứng trong danh sách 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, với mức độ cam kết hấp dẫn, cùng với Hiệp định FTA song phương đã có, hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai nước được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lên đến 900 tỷ bảng Anh.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Cụ thể, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Báo cáo thuyết minh về văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Lấy ví dụ về mặt hàng gạo-một mặt hàng xuất khẩu quan trọng và mang tính chiến lược của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi (với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%), cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác. Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước” và không đặt ra yêu cầu thủ tục hành chính là cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo như trong FTA song phương trước đây.

Lấy một dẫn chứng mặt hàng xuất khẩu khác là thế mạnh của Việt Nam là cá ngừ, tư lệnh ngành Công Thương cũng cho biết mặt hàng này cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế (mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây).

“Một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn so với hiện nay,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Như vậy, theo quy định của Hiệp định, chỉ cần thêm 2 thành viên CPTPP nữa hoàn tất thủ tục phê chuẩn là Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương Quốc Anh sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/10/2024. Các nước CPTPP còn lại cũng đang nỗ lực để có thể hoàn tất việc phê chuẩn trước thời điểm nói trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho hay việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục