Ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ ngày càng trở nên suy yếu

Những ảnh hưởng toàn cầu đang suy yếu của Mỹ đang vẽ lại bản đồ địa chính trị, mở đường cho hai đối thủ mạnh nhất của Washington là Nga và Trung Quốc tăng cường phạm vi ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 12/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ba năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đang ngày càng trở nên suy yếu.

Trong một số cuộc phỏng vấn do AP tiến hành, các nhà ngoại giao, các quan chức và học giả từ nhiều quốc gia cho rằng một trật tự thế giới đang thay đổi, trong đó Mỹ ngày càng có ít vai trò trung tâm hơn.

Đối với Nhà Trắng, điều đó là rất tốt bởi Mỹ đang theo đuổi chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” và Tổng thống Trump khẳng định rằng một nước Mỹ mạnh có nghĩa là một thế giới mạnh.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019, Tổng thống Trump nói: “Tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước.”

Tổng thống Trump luôn cho rằng ông từ bỏ chủ nghĩa toàn cầu để theo đuổi chủ nghĩa song phương có lợi hơn cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó. Thay vào đó, những nước từng là đồng minh thân cận của Mỹ như Pháp, Ai Cập, Pakistan, Afghanistan, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và quốc gia khác đã lặng lẽ rời bỏ Washington trong 3 năm qua.

Trong thời gian diễn Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại London (Anh), một camera truyền hình tại phòng tiếp tân trong Cung điện Buckingham đã cho thấy hình ảnh một nhóm các nhà lãnh đạo các nước châu Âu như Pháp, Anh, Hà Lan và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có những lời nói và hành động châm chọc Tổng thống Trump.

[Viễn cảnh nào khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu?]

Mặc dù ông Trudeau sau đó đã cố gắng nói lại rằng ông và Tổng thống Trump có mối quan hệ tốt đẹp và mang tính xây dựng, nhưng những cảnh quay của camera cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Mỹ và các đồng minh.

Đây là một thay đổi lớn. Trong nhiều thế hệ, Mỹ coi mình là trung tâm của thế giới. Dù tốt hay xấu, hầu hết các nước trên thế giới đều coi Mỹ là “người khổng lồ,” tôn trọng Mỹ, sợ Mỹ và tìm đến Mỹ khi cần hỗ trợ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Clinton từng khẳng định: “Chúng ta là người Mỹ, chúng ta là quốc gia không thể thiếu.”

Chắc chắn, Mỹ vẫn là một siêu cường toàn cầu. Tuy nhiên, những ảnh hưởng toàn cầu đang suy yếu của quốc gia này đang vẽ lại bản đồ địa chính trị, mở đường cho hai đối thủ mạnh nhất của Mỹ là Nga và Trung Quốc tăng cường phạm vi ảnh hưởng tới nhiều quốc gia.

Nhiều trong số những người bạn lâu năm của Washington đang tìm kiếm các liên minh với các quốc gia khác, và họ thường tìm đến Trung Quốc và Nga.

Ví dụ, tại Islamabad, nơi Mỹ từng được coi là quốc gia có vai trò duy nhất tại đây, thì nay chính phủ Pakistan lại nhận viện trợ quân sự và đào tạo từ Nga và hàng tỷ USD đầu tư cũng như các khoản vay từ Trung Quốc.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đang nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh mặc dù ông rất lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của quốc gia này tại Biển Đông.

Đối với Ai Cập, một trong những đồng minh Trung Đông thân cận nhất của Mỹ, Cairo hiện cho phép các máy bay quân sự Nga sử dụng căn cứ của mình và hai nước gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận không quân chung.

Tại Ukraine, quốc gia đã trông chờ vào khoản viện trợ quân sự của Mỹ trong nhiều năm qua nhằm cố gắng kiểm soát sự bành trướng của Nga, lòng trung thành đáng nghi ngờ của Trump được cho là đã tạo ra khoảng trống nguy hiểm.

Ông Vad Vadim Karasev, người đứng đầu Viện Chiến lược Toàn cầu có trụ sở tại Kyiv, nói: “Khi vai trò của Mỹ ở châu Âu suy yếu, chắc chắn ảnh hưởng của Nga sẽ tăng lên.”

Có lẽ hơn bất cứ nhà lãnh đạo phương Tây nào khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rõ rằng châu Âu nên tìm đến Bắc Kinh, chứ không phải Washington, khi nói về các vấn đề toàn cầu, từ chiến tranh thương mại tới tham vọng hạt nhân của Iran.

Chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ông Macron được thực hiện như một phần để chuyển tải thông điệp rằng Liên minh châu Âu không còn chút niềm tin nào vào Washington nữa.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Economist, ông Macron cho biết châu Âu đang đứng bên bờ vực khi đang trải qua quá trình "chết não," nhằm ám chỉ tới quyết định Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria.

Có lẽ không có đồng minh nào của Mỹ lo lắng hơn người Kurd, đồng minh lâu năm của Mỹ trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Họ phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến khi nhóm khủng bố IS bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ mà chúng chiếm đóng trên một khu vực rộng lớn tại Iraq và Syria.

Trong một tin nhắn gửi phóng viên báo chí sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo Mỹ rút hoàn toàn quân đội tại miền Bắc Syria, một quan chức người Kurd viết: “Quá trình phản bội đã chính thức hoàn tất.”

Binh sỹ Mỹ được triển khai tại thị trấn Tal Tamr, miền bắc Syria, ngày 20/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quyết định rút quân của Mỹ đã mở đường cho cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd và là dấu hiệu cho thấy Mỹ không còn đáng tin cậy như trước đây nữa.

Người Kurd không hoàn toàn bất ngờ với quyết định trên của Mỹ bởi hơn một năm trước các quan chức người Kurd đã tổ chức các cuộc đàm phán trở lại với Syria và Nga vì lo sợ rằng Washington sẽ bỏ rơi họ.

Trung Quốc đã rất vui mừng bởi những gì họ coi là sự thoái vị tự nguyện về vai trò lãnh đạo của Mỹ, đặc biệt là về thương mại tự do và biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã mở đường cho Bắc Kinh thúc đẩy với thỏa thuận thương mại tự do thay thế của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thay đổi từ một quốc gia chi tiêu hạn chế đối với vấn đề chống biến đổi khí hậu lại đôi khi được nhận lời khen ngợi như là lãnh đạo toàn cầu về vấn đề này.

[Nhìn lại thế giới 2019: Năm kịch tính của Tổng thống Mỹ D.Trump]

Tổng thống Trump khẳng định ông không làm mất vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Ông trích dẫn quan hệ đối tác với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống khủng bố và nhấn mạnh thành tích tiêu diệt được nhà lãnh đạo của nhóm khủng bố trong cuộc đột kích gần đây.

Tổng thống Trump cũng đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh NATO chi nhiều tỷ đồng cho ngân sách quốc phòng của họ để làm giảm gánh nặng của Mỹ vì ông thường phàn nàn rằng Mỹ không nên là "cảnh sát" của thế giới và cần phải thoát khỏi những cuộc chiến bất tận.

Một số cựu quan chức chính quyền đã trích dẫn cách thức kinh doanh của Tổng thống Trump để mô tả cách ông tiếp cận "giao dịch" đối với chính sách đối ngoại.

Ông đã rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương, như thỏa thuận hạt nhân Iran, tuy nhiên ông cần hỗ trợ quốc tế để gây áp lực đối với Teheran nhằm buộc quốc gia này chấm dứt chương trình hạt nhân và sự bành trướng trong khu vực.

Tổng thống Trump được ca ngợi vì thành tích đã mở ra các cuộc đàm phán với Taliban ở Afghanistan và Triều Tiên, mặc dù những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất từ trước đến nay mà Mỹ tham gia cũng như khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình cho tới nay vẫn chưa đem lại kết quả.

Ông cũng đã đàm phán các hiệp định thương mại song phương với nhiều quốc gia vì ông cho rằng các thỏa thuận được thực hiện bởi các chính quyền tiền nhiệm là không công bằng đối với Mỹ.

Mặc dù ông đã thành công với Hàn Quốc, song vẫn chưa thể ký kết một thỏa thuận nào với Trung Quốc.

Theo một cách nào đó, có thể ảnh hưởng suy yếu dần của Washington chỉ đơn giản là sự phản ánh của lịch sử: Mỹ không còn là người khổng lồ về kinh tế và quân sự duy nhất làm lu mờ hầu hết các quốc gia khác.

Năm 1945, chỉ có Mỹ có vũ khí hạt nhân trên thế giới và Mỹ chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới. Ngày nay, Mỹ có lẽ chỉ chiếm 15% GDP toàn cầu và thậm chí Triều Tiên còn có vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia khác cũng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trung Quốc, từng là một quốc gia đói nghèo, nay đã trở thành một siêu cường mới nổi và là “người khổng lồ” về tài chính.

Các quốc gia từ Brazil đến Ấn Độ đến Hàn Quốc đã trở thành cường quốc khu vực quan trọng.

Mặc dù vị thế của Mỹ đang bị suy yếu, nhưng theo các cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện ở 25 quốc gia vào năm 2018 cho thấy chỉ 25% người dân tin rằng Mỹ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với một thập kỷ trước.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát khác cho thấy người dân ở hầu hết các quốc gia cho biết họ thích một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục