Trong nỗ lực tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã đến thủ đô Washington (Mỹ) để tham dự Hội thảo thường niên lần thứ 13 về chống khủng bố.
Trọng tâm thảo luận là những mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng nhất hiện nay đối với an ninh nước Mỹ
Các chuyên gia đã đề cập đến các mối đe dọa khủng bố thời kỳ hậu Baghdadi, tình hình khủng bố ở Afghanistan nguy cơ khủng bố trỗi dậy trở lại do Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria, tình hình khủng bố ở Trung Đông và châu Phi, xu hướng các phong trào của các chiến binh thánh chiến cũng như những nguy cơ khủng bố vào năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những kết quả đáng kể trong những năm qua, nhưng khủng bố chưa thể chấm dứt, thậm chí có xu hướng phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn.
Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu là cuộc chiến kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện ngày 11/9/2001, cường quốc số 1 thế giới đã phải tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD vào cuộc chiến này trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến tốn kém này đã đạt được những kết quả nhất định như ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải phóng được khoảng 7,7 triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố.
Đặc biệt, gần đây nhất thủ lĩnh khét tiếng của IS al-Baghdadi đã bị Mỹ tiêu diệt trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.
Việc kẻ cầm đầu của đế chế Hồi giáo này bị tiêu diệt được coi là thành công lớn nhất của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2001 và là một "đòn chí tử" đối với tổ chức khủng bố, vốn là nỗi ám ảnh của người dân toàn thế giới.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích trong cuộc chiến này, nhưng nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu bởi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ,” trái lại còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp.
Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên.
Không lâu sau khi al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS được cho là đã chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của IS phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế.
Nhiều khả năng những tay súng IS sẽ gia tăng tuyên truyền thánh chiến và kêu gọi hành động trả đũa sau cái chết của al-Baghdadi.
Dù bị đánh bật ra khỏi các khu vực chiếm đóng ở Syria, nhưng những tàn quân IS vẫn lẩn trốn tại các khu vực sa mạc rộng lớn ở khu biên giới Syria-Iraq.
Các tay súng IS hiện nay không thực hiện các vụ tấn công gây chấn động thế giới như những năm trước đây mà chuyển sang thực hiện chiến thuật du kích với các vụ tấn công nhỏ lẻ.
Ngoài ra, với cuộc chiến tại Syria chưa kết thúc cùng với bất ổn tại Yemen và Afghanistan, hay gần đây nhất là việc rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria, sẽ là cơ hội để IS và các nhóm khủng bố khác trỗi dậy.
[Malaysia vẫn là nguồn cung và điểm trung gian của các tổ chức khủng bố]
Không chỉ tích cực hoạt động tại các địa bàn cũ, các nhóm khủng bố như al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á trong khi nhóm IS mở rộng sang cả khu vực Tây lục địa mà chúng gọi là “tỉnh Tây Phi,” một trong những hang ổ lớn mạnh nhất của tổ chức này. Còn ở châu Á hiện có khoảng 2.500-4.000 tay súng IS.
Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn.
Trong bối cảnh các công nghệ truyền thông mới nở rộ và sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng khủng bố có thể dễ dàng "truyền cảm hứng" cho các phần tử Hồi giáo cực đoan trên toàn thế giới để thực hiện các vụ tấn công.
Nhiều thanh niên trẻ bị cực đoan hóa tại các nước cũng sẵn sàng “ tiếp sức” cho các “phần tử thánh chiến” theo lời kêu gọi của IS.
Bên cạnh đó, những bất đồng nảy sinh giữa Mỹ với các đồng minh cũng có thể cản trở các nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Quyết định rút quân của Mỹ ra khỏi Syria khiến các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là lực lượng đồng minh thân cận người Kurd của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, nghi ngờ tính đảm bảo trong những cam kết của Washington.
Một bất đồng khác trong liên minh là vấn đề hồi hương khoảng 10.000 tay súng IS cùng gia đình đang bị giam giữ ở khu vực gần Đông Bắc Syria.
Mỹ đòi các thành viên tiếp nhận hàng nghìn tù binh IS là công dân của nước mình nhưng các đồng minh châu Âu kiên quyết phản đối.
Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng chắc chắn vẫn còn dài và đối mặt nhiều thách thức. Để duy trì được vai trò dẫn đầu liên minh, Mỹ sẽ tiếp tục phải gánh trách nhiệm lớn nhất trong việc hoạch định chiến lược đúng đắn và phù hợp, cũng như điều phối và hợp tác một cách hiệu quả với các nước thành viên.
Chủ nghĩa khủng bố không chỉ là mối đe dọa đối với riêng Mỹ mà là một mối đe dọa toàn cầu vì vậy cần sự đồng thuận đến từ tất cả các nước./.