Ảnh hưởng vì giá dầu 'rơi tự do,' chứng khoán châu Á giảm điểm

Theo các nhà phân tích, tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng lớn từ việc giá dầu WTI của Mỹ lần đầu tiên rơi xuống vùng âm trong phiên ngày 20/4.
Ảnh hưởng vì giá dầu 'rơi tự do,' chứng khoán châu Á giảm điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Phiên chiều 21/4, chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) “rơi tự do” tại Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) phiên trước.

Phiên này, chỉ số Nikkei-225 trên thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,97% (388,34 điểm) xuống khép phiên ở mức 19.280,78 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc cũng giảm 1% (18,98 điểm) xuống 1.879,38 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng đi xuống của thị trường khu vực. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 2,2% (536,47 điểm) xuống 23.793,55 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite cũng để mất 0,9% (25,54 điểm) xuống 2.827,01 điểm.

Chứng khoán Sydney cũng giảm 2,5%, Mumbai mất hơn 3% còn Taipei cũng lùi 2,8%. Các thị trường Singapore, Jakarta và Bangkok đều giảm hơn 1%. Wellington và Manila cũng trong vùng mất điểm.

Mở cửa phiên ngày 21/4, các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm gần 2%. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,7% xuống 5.713,7 điểm; chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 2% xuống 10.462,56 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 2% xuống 4.437,84 điểm.

Sự suy giảm của chứng khoán châu Á trong phiên này xảy ra bất chấp những dấu hiệu cho thấy đà lây nhiễm của dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang giảm bớt khi các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn cầu bắt đầu có hiệu lực và một số quốc gia dần dần trở lại trạng thái bình thường.

Theo các nhà phân tích, tâm lý nhà đầu tư phiên này đã bị ảnh hưởng lớn từ việc giá dầu WTI của Mỹ lần đầu tiên rơi xuống vùng âm trong phiên ngày 20/4.

[Thị trường chứng khoán mở phiên sáng 21/4 trong sắc đỏ lan rộng]

Đồng thời, họ cảnh báo sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán có thể là một dấu hiệu cho thấy đà tăng vọt gần đây của thị trường có thể là quá nhanh và vẫn có thể xảy ra tình trạng bán tháo.

Sự dịch chuyển của nhà đầu tư sang các kênh an toàn hơn được phản ánh trên thị trường tiền tệ, nơi đồng USD tăng vọt so với các đồng tiền khác có lợi suất cao đi cùng rủi ro lớn.

Phiên này, đồng AUD của Australia, đồng NZD của New Zealand và đồng ruble của Nga đều giảm hơn 1% so với đồng USD, trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm 0,9%.

So với các đồng tiền chủ chốt khác, tỷ giá giữa đồng yen Nhật Bản so với đồng USD phiên này tăng từ 107,67 yen đổi 1 USD lên 107,45 yen/USD. Đồng bạc xanh lại mạnh hơn so với đồng euro khi được giao dịch ở mức 1,0835 USD đổi 1 euro so với mức 1,0863 USD/euro trước đó.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/4, chỉ số VN-Index giảm 28,13 điểm (3,54%) xuống 766,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 397 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 6.123,686 tỷ đồng.

Toàn sàn có 56 mã tăng giá, 37 mã đứng giá và 312 mã giảm giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục