Một người lính cứu hỏa tình nguyện bị bỏng rất nặng sau một vụ cháy vào năm 2001 đã được tiến hành cấy ghép mặt quy mô lớn nhất từ trước tới nay, che phủ hộp sọ và phần lớn cổ của anh, một bệnh viện ở New York vừa thông báo vào thứ Hai vừa qua.
Ca phẫu thuật đã được thực hiện vào tháng 8 tại trung tâm y tế Đại học New York ở Langone. Bệnh nhân 41 tuổi Patrick Hardison hiện vẫn đang phải thực hiện liệu pháp vận động tại bệnh viện, nhưng đã có kế hoạch trở về nhà của mình ở Senatobia, Mississippi trước dịp lễ Tạ ơn.
Ca phẫu thuật đã "mở đường" cho anh lấy lại thị lực bình thường, và trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tuần trước, anh còn cho biết rằng ca phẫu thuật đã giúp anh đạt được một mục tiêu lớn: “Tôi sẽ lái xe trở lại.”
Hơn hai chục ca phẫu thuật cấy ghép mặt đã được thực hiện trên toàn thế giới kể từ ca đầu tiên tại Pháp vào năm 2005. Bác sỹ Eduardo Rodriguez, người đứng đầu đội phẫu thuật thực hiện ca ghép mặt của Hardison và gần đây đã viết một bài tổng hợp nghiên cứu trong lĩnh vực này, cho biết trường hợp của Hardison hiện đang là trường hợp thành công có quy mô lớn nhất tính theo lượng mô mặt được cấy ghép.
Vùng ghép bắt đầu từ đỉnh đầu, phủ qua hộp sọ của Hardison và kéo dài xuống hai xương quai xanh ở phía trước; phía sau, vùng ghép kéo sâu xuống đến mức chỉ còn lại một mảng nhỏ tóc thật của Hardison. Màu tóc này khớp với màu tóc vàng sậm mọc trên da đầu mới của anh. Ca cấy ghép bao gồm cả hai tai.
Đó là “một thành tựu lịch sử,” bác sỹ Amir Dorafshar, giám đốc chương trình cấy ghép mặt thuộc trường y đại học Johns Hopkins, người không tham gia vào ca phẫu thuật, cho biết. “Phương thức điều trị này có tiềm năng tạo nên một cuộc cách mạng trong chăm sóc các bệnh nhân bị bỏng mặt nặng.”
Ca phẫu thuật bắt đầu vào ngày 14/8 và kéo dài 26 tiếng đồng hồ. Ca mổ không để lại sẹo trên gương mặt mới của Hardison vì đường khâu phần mô ghép chạy xuống tới phía sau hộp sọ của anh.
Người cho mô là nghệ sỹ, vận động viên xe đạp 26 tuổi David P. Rodebaugh đến từ New York. Anh đã thiệt mạng vì chấn thương do một tai nạn xe đạp trên đường phố Brooklyn.
Hardison đã bị bỏng vào ngày 5/9/2001 ở Senatobia, phía tây bắc Mississippi. Vào thời điểm đó, anh mới 27 tuổi và là cha của 3 đứa con. Anh đã làm lính cứu hỏa tình nguyện trong 7 năm, và trong vụ hỏa hoạn hôm đó, anh đã lao vào một ngôi nhà đang bốc cháy để tìm kiếm một người phụ nữ. Mái nhà đã đổ sập xuống, khiến anh bị bỏng độ 3 ở vùng đầu, cổ và thân trên.
Anh đã dành khoảng 2 tháng ở một trung tâm chữa trị bỏng ở Memphis, Tennessee. Các bác sỹ đã dùng lớp da từ chân của anh để bao bọc lấy phần đầu bị thương, nhưng anh đã mất đi đôi tai, môi, phần lớn mũi và gần như toàn bộ mô mí mắt.
Vì anh không thể chớp mắt được, nên các bác sỹ phải sử dụng da giả để củng cố phần còn lại của mí mắt và tiến hành khâu gần như khít hoàn toàn mí mắt của anh để bảo vệ cho mắt. Như vậy, anh chỉ có thể nhìn thấy thế giới qua một khe rất hẹp.
“Tôi gần như mù hoàn toàn,” anh nhớ lại. “Tôi chỉ có thể nhìn thấy một chút.”
Gương mặt của anh là “một vết sẹo lớn,” Rodriguez mô tả. Hardison vẫn đi xem bóng chày và làm những việc khác ở nơi công cộng, mặc dù có rất nhiều người nhìn anh. Anh đùa với các con rằng mình đã chiến đấu với một chú gấu. Tuy vậy, cuộc sống vẫn rất khó khăn, anh chia sẻ. Anh đã phải trải qua 71 ca phẫu thuật.
Cuối cùng, một người bạn của anh ở nhà thờ đã viết thư cho Rodriguez, người đã tiến hành phẫu thuật ghép mặt vào năm 2012 tại Trung tâm y tế Đại học Maryland. Bác sỹ cho biết ông sẽ cố gắng giúp đỡ anh, và vào tháng 8 năm 2014, Hardison đã được đưa vào danh sách đợi.
“Chúng tôi đã cố gắng tìm người hiến mô phù hợp,” một người có các đặc điểm sinh học khớp với Hardison nhằm giảm thiểu nguy cơ từ chối mô mới của cơ thể anh, cũng như để khớp với màu da và màu tóc của anh, Rodriguez cho biết. Khi đó, bác sỹ đã chuyển tới trung tâm ở Langone thuộc đại học New York.
Một năm sau, Rodebaugh đã được tổ chức LiveOnNY xác định là người hiến mô tiềm năng. Tổ chức phi lợi nhuận này chuyên tìm kiếm nội tạng và mô cấy ghép trong khu vực thành phố New York.
Vốn là người Columbus, Ohio, Rodebaugh đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Mẹ của anh đã cho phép các bác sỹ sử dụng gương mặt của anh, và nói rằng Rodebaugh luôn muốn trở thành một lính cứu hỏa, chủ tịch của LiveOnNY, chị Helen Irving cho biết.
Bệnh viện đã chi trả cho ca ghép mặt, trong đó bao gồm việc gắn 4 mẩu xương vào hộp sọ của Hardison để cố định không cho gương mặt mới của anh chảy xệ xuống.
Giờ đây, sau 3 tháng, phần dưới gương mặt của anh vẫn bị sưng, nhưng Rodriguez cho biết hiện tượng này sẽ tự hết sau vài tháng. Với mí mắt mới và những ca phẫu thuật mới, Hardison được kỳ vọng sẽ lấy lại được thị lực bình thường lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Anh sẽ phải tiếp tục uống thuốc nhằm ngăn không cho cơ thể của anh từ chối mô ghép.
Cuối cùng “một người quan sát thoáng qua sẽ không nhận thấy có gì bất thường” trên gương mặt mới của Hardison. Gương mặt này sẽ là sự hòa trộn những đặc điểm của gương mặt ban đầu và mặt của người hiến mô, Rodriguez cho biết.
Hardison chia sẻ rằng anh đã cảm nhận được sự khác biệt khi ra đường với gương mặt mới. “Tôi từng thường xuyên bị người ta nhìn chằm chằm, nhưng giờ tôi chỉ là một người bình thường,” anh chia sẻ.
Người ta đã nói với anh rằng anh không thể quay trở lại nghề lính cứu hỏa vì những vấn đề về bảo hiểm, nhưng anh đã có một kế hoạch khác: Diễn thuyết trước đám đông hoặc điều gì đó tương tự để truyền cảm hứng cho mọi người, có thể là cho các thương binh chẳng hạn.
Thông điệp của anh sẽ là gì? “Chỉ là cuộc đời vẫn còn có hy vọng”./.