Anh: Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính

Theo số liệu của Astbury Marsden, khu vực dịch vụ tài chính của London trong tháng Hai đã tạo được 3.220 việc làm.

Theo những số liệu mới nhất do công ty dịch vụ tài chính Astbury Marsden vừa công bố, sau khi đã tăng mạnh trong tháng Một, khu vực dịch vụ tài chính của London (Anh) trong tháng Hai đã tạo được 3.220 việc làm, cao hơn 25% so với con số 2.575 việc làm của cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy ngành dịch vụ của "xứ sở sương mù" đang phục hồi nhờ từ chương trình tái cơ cấu sau khủng hoảng tài chính.

Báo cáo cho biết, trong ba tháng vừa qua, khu vực này cũng tạo ra được số việc làm cao hơn 34% so với cùng kỳ trước đó.

Theo giám đốc điều hành Astbury Marsden, Mark Cameron, trong số các nguyên nhân khiến khu vực dịch vụ tài chính của London có mức tăng trưởng việc làm mạnh là do các ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ, đặc biệt là vào các chương trình giao dịch ngoại hối, làm gia tăng nhu cầu đối với những nhân lực lành nghề. Mặt khác, sự gia tăng các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng châm ngòi cho những đợt tuyển nhân sự mới.

Anh đang mong muốn trở thành một trung tâm lớn ở châu Âu về giao dịch đồng nhân dân tệ của Trung Quốc với hy vọng điều này sẽ tạo một cú hích cho tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và rộng hơn là cho toàn bộ nền kinh tế của nước này. Anh cũng đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính Hồi giáo đầu tiên ở phương Tây.

Theo số liệu của tổ chức tư vấn tài chính TheCityUK, hiện ở London có 675.600 người đang làm việc trong các hãng dịch vụ tài chính, khu vực đóng góp cho nền tài chính Anh 174 tỷ bảng (291,60 tỷ USD) trong năm 2012.

Trong lĩnh vực công nghiệp, các công ty của Anh cũng đang ngày càng đưa các hoạt động sản xuất trở về nước nhiều hơn trong nỗ lực của chính phủ nhằm làm giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế vào chi tiêu tiêu dùng và nhà đất.

Theo một điều tra mới đây của Hiệp hội công nghiệp Anh (EEF), trong vòng ba năm qua, 1/6 các công ty chế tạo Anh đã "hồi hương", tăng dần so với tỷ lệ 1/7 trong năm 2009.

Ngành chế tạo của Anh đóng góp khoảng 10% vào GDP của nước này. EEF cho biết các công ty chế tạo Anh trở về nước chủ yếu là các công ty của Anh ở Trung Quốc và các nước Đông Âu. Chất lượng sản phẩm tốt hơn là nguyên nhân chính được các công ty này đưa ra cho việc "hồi hương" của họ.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết ông sẽ công bố các giải pháp hỗ trợ đầu tư và xuất khẩu trong công bố ngân sách hàng năm vào ngày 19/3 tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục