Anh tổn thất lớn nếu cấm Huawei tham gia mạng 5G?

Theo nhiều đánh giá khác nhau, việc triển khai 5G có thể bị chậm từ hai đến nhiều năm, làm giảm bớt lợi ích kinh tế tổng thể và khiến ngành công nghệ Anh bị thụt lùi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo đánh giá của tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 20/1, một trong những quyết định quan trọng nhất mà chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sẽ phải đưa ra là có cho phép tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G tại Anh hay không.

Mạng viễn thông tốc độ siêu nhanh thế hệ mới này được cho là sẽ “đặt nền tảng cho internet vạn vật," thành phố thông minh, phương tiện giao thông tự lí, và thậm chí là chữa bệnh qua mạng.

Nhưng đồng thời, hệ thống này cũng tạo ra những lổ hổng hoàn toàn mới cho các hoạt động do thám và phá hoại. Để thực hiện được tham vọng trở thành một nước tiên phong toàn cầu về công nghệ 5G, Chính phủ Anh sẽ phải cân nhắc giữa một bên là những thiệt hại của việc trì hoãn sự tham gia của Huawei và một bên là những cân nhắc thiết yếu về an ninh.

Bên cạnh đó, còn phải tính đến những tác động về địa chiến lược. Mỹ đang đe dọa sẽ hạn chế việc chia sẻ tình báo với Anh trong liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes - cùng với Australia, Canada và New Zealand), nếu Anh cho phép Huawei tham gia mạng 5G.

Lo lắng của Washington là các doanh nghiệp Trung Quốc có thể được sử dụng để do thám cuộc đua tái tranh cử sắp tới của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, nước Anh sẽ phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia tổng thể của mình. Anh được cho là sẽ phải kiên định với phương án sơ bộ được thống nhất từ năm 2019 về việc cho phép Huawei đóng vai trò trong những khâu “ngoại vi” của các mạng 5G - như cung cấp các ăngten và cột sóng mà công ty này tự hào đang dẫn đầu thế giới về công nghệ chế tạo - nhưng sẽ cấm Huawei khỏi phần “lõi” điều hành mạng.

Các nhà cung cấp viễn thông Anh vốn đã hoạt động trên cơ chế này từ khi Huawei bắt đầu cung cấp thiết bị tại Anh cách đây hơn 15 năm. Trong khi Huawei kiên quyết phủ nhận việc hãng này sẽ để cho Bắc Kinh lợi dụng, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh từ lâu đã đánh giá nhà nước Trung Quốc “có thể cưỡng ép bất kỳ ai tại Trung Quốc làm bất kỳ điều gì.”

[Hạn chế Huawei phát triển mạng 5G, Anh có thể thiệt hại 650 triệu USD]

Mục tiêu từ đầu của cơ quan này là giảm thiểu nguy cơ đặt ra. Lập luận của phe phản đối việc duy trì nguyên trạng cho rằng công nghệ 5G đã xóa nhòa những ranh giới cũ. Phần lõi đã không còn bó hẹp trong một cái hộp trung tâm mà đã trở nên ảo, được tạo nên bởi phần mềm trải khắp toàn mạng lưới.

Việc giảm độ trễ tín hiệu để hỗ trợ các chức năng thời gian thực như xe tự lái đòi hỏi khâu điện toán được thực hiện nhiều hơn ở vùng ngoại vi. 5G đòi hỏi một rừng những bộ truyền tín hiệu nhỏ, tất cả đều dễ tổn thương.

Malcolm Turnbull, trên cương vị Thủ tướng Australia, đã cấm hoàn toàn Huawei khỏi các mạng 5G của nước này vào năm 2018, cảnh báo công nghệ “ảo hóa” của 5G khiến việc phân định vùng lõi và vùng ngoại vi của các mạng là hoàn toàn không khả thi.

Những nhân chứng trong các cuộc điều trần tại nghị viện Anh năm 2019 thì cho rằng việc phân định các vùng trên tại Anh vẫn rõ ràng; sự khác biệt về địa lý đồng nghĩa với việc các mạng 5G của Anh sẽ được thiết kế khác hoàn toàn của Australia.

Các lãnh đạo tình báo Anh, hai ủy ban nghị viện và giới lãnh đạo ngành viễn thông đều cho rằng có thể kiểm soát được nguy cơ từ sự tham gia của các công ty Trung Quốc vào vùng ngoại vi mạng 5G.

Hơn thế nữa, một chuỗi cung cấp đa dạng nhìn chung sẽ giúp các mạng viễn thông trở nên ổn định hơn trước các vấn đề an ninh và kỹ thuật.

Ngoài ra, làn sóng 5G đầu tiên sẽ được triển khai chồng lên hạ tầng 4G cũ. Việc cấm Huawei cả khỏi vùng ngoại vi sẽ buộc các nhà cung cấp viễn thông Anh phải dỡ bỏ các mạng lưới hiện tại - gây gián đoạn, tốn kém và chậm trễ - trong khi phải chờ đợi các nhà cung cấp khác bắt kịp với công nghệ mới.

Theo nhiều đánh giá khác nhau, việc triển khai 5G có thể bị chậm từ hai đến nhiều năm, làm giảm bớt lợi ich kinh tế tổng thể và khiến ngành công nghệ Anh bị thụt lùi.

Một số quan chức tình báo phản bác thái độ lạc quan của cấp trên và cảnh báo rằng các mạng 5G sớm muộn sẽ trở nên phức tạp đến nỗi việc kiểm soát những nguy cơ từ sự tham gia của các công ty Trung Quốc sẽ tiêu tốn hết nguồn lực của chính phủ.

Trong trường hợp đó, Chính phủ Anh được khuyến cáo cần cho cơ quan giám sát viễn thông của nước này là Ofcom nhiều quyền hạn hơn trong việc áp đặt các tiêu chuẩn an ninh khắt khe nhất đối với các hãng viễn thông Anh về thiết kế mạng lưới.

Sự tham gia của Huawei vào vùng ngoại vi của mạng 5G cũng sẽ phải tuân thủ điều kiện để đáp ứng những lo ngại về tiêu chuẩn an ninh mạng của hãng này do một trung tâm thử nghiệm tại Banbury đặt ra.

Tuy nhiên, về tổng thể, việc cấm hoàn toàn Huawei sẽ gây ra những thiệt hại không thể bao biện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục