Áo gia nhập danh sách các quốc gia ban lệnh cấm mạng xã hội TikTok

Bộ trưởng Nội vụ Áo nêu rõ ứng dụng TikTok sẽ bị cấm sử dụng trên các điện thoại di động phục vụ công việc trong các cơ quan chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Áo nêu rõ ứng dụng TikTok sẽ bị cấm sử dụng trên các điện thoại di động phục vụ công việc trong các cơ quan chính phủ. (Nguồn: Shutterstock)

Áo vừa quyết định gia nhập nhóm các quốc gia "cấm cửa" ứng dụng TikTok tại các cơ quan công quyền. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho biết hôm 10/5 rằng các nhân viên chính phủ sẽ bị cấm cài TikTok trên những chiếc điện thoại phục vụ cho công việc.

Tại cuộc họp nội các thường kỳ diễn ra hàng tuần, ông Karner đã trả lời các phóng viên khi được hỏi rằng liệu giới chính trị gia đang làm việc trong chính quyền có được tiếp tục dùng TikTok hay không: "(TikTok) sẽ bị cấm trên những chiếc điện thoại dùng để làm việc. Người ta vẫn có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại cá nhân, ngoài hệ thống mạng của nhà nước."

Trước đó, nhiều quốc gia phương Tây bao gồm Anh, Mỹ và vài nước thành viên Liên minh Châu Âu khác đã triển khai các lệnh cấm nhằm vào TikTok, viện dẫn lo ngại về an ninh.

[Trung Quốc kêu gọi Chính phủ Australia xem lại lệnh cấm TikTok]

Cụ thể tại Mỹ, TikTok đã phải đối mặt với nhiều lệnh cấm và nỗ lực cấm hoạt động, cả ở cấp tiểu bang và liên bang. Kể từ tháng 4/2023, tất cả các nhân viên liên bang Mỹ đều bị cấm sử dụng ứng dụng này. Nhân viên tại 34 trong số 50 tiểu bang Mỹ cũng bị cấm sử dụng TikTok.

Từ tháng 6/2020, Bộ Thông tin Ấn Độ đã ban lệnh cấm hoạt động đối với TikTok và gần 60 ứng dụng di động của Trung Quốc. Theo chính phủ Ấn Độ, việc ban hành lệnh cấm mới được đưa ra nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của 1,3 tỷ người dân, đồng thời ngăn chặn những công nghệ có khả năng bí mật chuyển dữ liệu của người dùng tới các máy chủ nằm bên ngoài Ấn Độ.

Năm 2022, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã cấm TikTok và trò chơi PUBG với lý do bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi bị "lầm đường lạc lối".

Tháng 3 năm nay, chính quyền Anh đã cấm các bộ trưởng và công chức chính quyền cài TikTok vào điện thoại công. Chính quyền Anh nói rằng lệnh cấm là một "động thái phòng ngừa" vì lý do an ninh và không áp dụng cho các thiết bị cá nhân. Không lâu sau đó, Quốc hội Anh và Chính phủ Scotland thuộc Vương quốc Anh cũng cấm cài TikTok trên các thiết bị công.

Cũng trong tháng 3, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố các nhân viên chính phủ liên bang Bỉ sẽ không được phép cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại công vụ. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ (CNS) cảnh báo về những rủi ro liên quan lượng lớn dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực tạm thời trong vòng 6 tháng, áp dụng cho tất cả các thiết bị được mua một phần, hoặc toàn bộ, bằng tiền của chính phủ liên bang, cũng như đăng ký trên hệ thống chính phủ liên bang. Tuy không áp đặt lệnh cấm đối với thiết bị cá nhân, Thủ tướng De Croo vẫn khuyến cáo nhân viên chính quyền không nên cài TikTok.

Ba cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu thông báo áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok vào các thiết bị phục vụ công việc kể từ giữa tháng 3.

TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của Công ty ByteDance (Trung Quốc). Thời gian gần đây, chính phủ và cơ quan quản lý tại nhiều nước đã tăng cường giám sát sử dụng ứng dụng này dẫn các lo ngại về lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc, đặc biệt do phía Mỹ đưa ra, rằng TikTok được dùng để thu thập dữ liệu, cũng như gây ra các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố hồi cuối tháng 3 rằng Bắc Kinh chưa bao giờ yêu cầu cũng như đề nghị bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập hoặc cung cấp dữ liệu và thông tin tình báo ở nước ngoài trái với pháp luật Trung Quốc.

Trong hơn 2 năm qua, TikTok đã nỗ lực phối hợp với chính quyền Mỹ để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia. Công ty đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu, đồng thời kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc "tuồn" dữ liệu người dùng ra bên ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục