Áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm

Đến 19 giờ ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 5/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Từ 19 giờ ngày 5/10 đến 19 giờ ngày 6/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.

[Vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới]

Đến 19 giờ ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 130km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 118,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ 19 giờ ngày 6/10 đến 19 giờ ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 19 giờ ngày 7/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 114,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ 19 giờ ngày 7/10 đến 19 giờ ngày 8/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo trên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh; khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, sóng biển cao từ 1,5-2,5m, biển động.

Ngoài ra, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết lúc 6 giờ ngày 5/10, tại khu vực biển cách phía Đông Nam cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng khoảng 13 hải lý, sà lan CT- 00904/02 thuyền viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Luân, chở 507 tấn xi măng bị mắc cạn, nước tràn vào khoang, có nguy cơ chìm; 2 thuyền viên đã sang sà lan CT- 08015 gần đó.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với địa phương và Công ty Minh Luân khắc phục sự cố, sẵn sàng lực lượng phương tiện tham gia cứu nạn khi có yêu cầu.

Cùng ngày, lúc 12 giờ 45 phút, tại khu vực cách phía Đông Đông Nam Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 55 hải lý, tàu cá BT 95299TS có 3 ngư dân bị ngạt khí hầm cá (2 người tử vong, 1 người bị thương). Thuyền trưởng tàu cá đã đưa người bị thương vào mỏ Hải Sư Đen cấp cứu.

Lúc 13 giờ 45 phút cùng ngày, mỏ Hải Sư Đen điều máy bay trực thăng từ Vũng Tàu ra đưa ngư dân trên về bờ chữa trị, còn 2 thi thể đang được tàu cá đưa về Bến Tre để phối hợp với địa phương bàn giao cho gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục