Áp thấp nhiệt đới gây gió giật cấp 8 ở vùng biển, mưa to ở Trung Bộ

Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 19 giờ ngày 16/10 là ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. (Nguồn: TTXVN phát)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7 giờ ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng 360km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo, từ 7 giờ ngày 16/10 đến 19 giờ ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 25-30km.

Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới lúc 19 giờ ngày 16/10 là ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

[Thiên tai mưa, lũ còn diễn biến phức tạp đến tháng 11/2020]

Dự báo, từ 19 giờ ngày 16/10 đến 7 giờ ngày 17/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông từ 7 giờ ngày 16/10 đến 7 giờ ngày 17/10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 13,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Mức độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Trên biển, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Từ trưa và chiều 16/10, vùng biển từ các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, riêng vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,5-3,5m, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, từ trưa 16/10 tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển ở Vịnh Bắc Bộ cao 2,0-4,0m; ở Bắc Biển Đông 3,0-5,0m; biển động mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển thì phải luôn luôn giữ cho tàu thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400km - khoảng 200 hải lý.

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

Từ ngày 16-21/10, ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to

Tổng lượng mưa từ ngày 16-21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến ở mức 500-800mm, có nơi trên 900mm; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế phổ biến ở mức 300-500mm, có nơi trên 500mm; ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến ở mức 300-400mm, có nơi trên 500mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến ở mức 200-300mm, có nơi trên 350mm.

Từ ngày 16/10 đến ngày 18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Mức  độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục