Nhân Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 6-11/11, trang mạng swarajyamag.com của Ấn Độ vừa đăng bài viết nêu bật những tác động tích cực của APEC 2017 đối với Ấn Độ, bổ sung cho Chính sách hành động hướng Đông của nước này.
Theo trang mạng trên, mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi và các chính sách mà ông đề ra đều phù hợp với các mục tiêu và sáng kiến của APEC trong hai thập kỷ trở lại đây. Các chương trình kinh tế của Ấn Độ chủ yếu dựa trên việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, các nguồn đầu tư và chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm ở trong nước.
Trong khi đó, các nền kinh tế APEC đang nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế, tăng cường đối thoại và hợp tác.
Tại APEC thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận xung quanh nhiều vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực; môi trường; phát triển đô thị; tiếp cận thị trường; cũng như hiệu quả trong thương mại; đầu tư; hoạt động của chuỗi giá trị và công nghệ... Đây đều là những vấn đề hết sức quan trọng với Ấn Độ và là lý do giải thích vì sao New Delhi có thể gia nhập APEC ở thời điểm hiện nay là điều hết sức quan trọng.
[Tổng kết các hoạt động của hơn 50 ủy ban, nhóm công tác APEC]
Trước đó, trên cương vị nước chủ nhà đăng cai APEC 2011, Mỹ đã mời Ấn Độ tham gia với tư cách quan sát viên và New Delhi từng đệ đơn xin gia nhập APEC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với chặng đường này của Ấn Độ. Nhiều nền kinh tế thành viên APEC vẫn hoài nghi về khả năng và những đóng góp của Ấn Độ cho diễn đàn này.
Tuy nhiên, Ấn Độ đã và đang phát triển quan hệ kinh tế song phương mạnh mẽ với hầu hết các nền kinh tế APEC và những mối quan hệ tốt đẹp này có thể sẽ là nền tảng cho sự ủng hộ đối với việc kết nạp sắp tới.
Bên cạnh đó, trang mạng swarajyamag.com còn cho rằng việc Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam có thể là cơ hội để New Delhi đẩy mạnh quan hệ với Hà Nội nhằm có được lực đẩy ngoại giao cần thiết. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trên hàng loạt khía cạnh từ chính trị, kinh tế, quốc phòng và văn hóa. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tham gia APEC.
Dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi, Chính phủ Ấn Độ rất chú trọng vào lĩnh vực vốn đầu tư nước ngoài cũng như các mối quan hệ mạnh mẽ trong Chuỗi Giá trị Toàn cầu (GVC) để mở rộng khu vực sản xuất. Các nền kinh tế hội nhập sâu sắc và mạnh mẽ nhất với GVC chính là các nền kinh tế thành viên của APEC.
Do đó, việc Ấn Độ có thể bước chân vào APEC không chỉ đem lại lợi ích cho chính bản thân quốc gia này mà với tư cách là một trong những nền kinh tế mở cửa đang trên đà phát triển nhanh chóng, Ấn Độ sẽ đóng góp đáng kể cho diễn đàn này.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 5 tại Vancouver, Canada năm 1997, các nền kinh tế thành viên APEC quyết định sau khi kết nạp thêm 3 thành viên vào năm 1998 sẽ tạm ngừng hoạt động này trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho việc tập trung phát triển và thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do và thuận lợi hóa các hoạt động thương mại, đầu tư.
Tới Hội nghị Cấp cao lần thứ 15 tại Sydney, Australia năm 2007, APEC quyết định tiếp tục ngừng kết nạp thành viên tới năm 2010 và đến nay lại một lần nữa được gia hạn để các nền kinh tế thành viên có thể tập trung phát triển các mục tiêu chung một cách hiệu quả.
Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ vào năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đã nhấn mạnh tới mong muốn gia nhập APEC của Ấn Độ, và những tuyên bố của ông Jaitley được nhiều tổ chức quốc tế, nhất là những thể chế thương mại xem là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Ấn Độ nhằm tham gia APEC.
Hiện thời cơ đã chín muồi để Ấn Độ đẩy mạnh nền tảng ngoại giao và đầu tư vào những nguồn lực để hướng tới mục tiêu này càng sớm càng tốt./.