Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược và bảo hộ mậu dịch nổi lên, việc xây dựng một khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương toàn diện, chất lượng cao sẽ tiếp thêm động lực cho việc thực hiện nhất thể hóa kinh tế khu vực này.
Đây là nhận định của một số chuyên gia kinh tế được Đài Bắc Kinh trích dẫn và đăng tải ngày 9/11, đồng thời cũng là một trong những chủ đề nóng tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, diễn ra từ ngày 10-11/11, tại Đà Nẵng.
Ý tưởng xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương nảy sinh khi các nền kinh tế gặp khó khăn trong quá trình thực thi các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do vì sự phức tạp của các ưu đãi và quy tắc xuất xứ.
[APEC 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung]
Để "gỡ rối"vấn đề này, Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều hiệp định thương mại tự do mang tính biệt lập, đồng thời sẽ bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm còn chưa được giải quyết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như nông nghiệp, quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ...
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC thuộc Đại học Nam Khai, Lưu Thần Dương, việc hoàn thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương sẽ giải quyết căn bản vấn đề trên, đồng thời tạo dựng một khung chế độ hoàn chỉnh, hiệu quả cao cho việc nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Triệu Giang Lâm cho rằng sáng kiến này không những có thể làm dịu cục diện căng thẳng do chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gây ra, mà còn có thể giúp nhiều nền kinh tế hoàn thành việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, tiếp thêm động lực mới cho phát triển trong tương lai.
Theo đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Don Campbell, việc các bên cùng nỗ lực thực hiện nhất thể hóa kinh tế khu vực, xây dựng Khu vực thương mại tự do châu Á-Tháí Bình Dương và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương có thể tiếp động lực ổn định cho duy trì kinh tế tăng trưởng./.