Sau hội nghị trực tuyến do Malaysia chủ trì ngày 25/7, các nền kinh tế tham gia diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã một lần nữa khẳng định ưu tiên phục hồi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng phụ trách thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC đã khẳng định lại cam kết giảm thiểu một cách hiệu quả những tác động của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế, nhanh chóng đưa khu vực về lộ trình phục hồi kinh tế bền vững, toàn diện và hiệu quả".
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của một môi trường đầu tư và thương mại tự do, mở cửa, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán trước, nhằm thúc đẩy khôi phục kinh tế vào thời điểm đầy thách thức hiện nay".
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết các nền kinh tế thành viên APEC cũng đã nhất trí về một Tuyên bố chung về tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tuyên bố thừa nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo dòng chảy thương mại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, buộc các nước thành viên cam kết cùng hợp tác để tạo điều kiện cho dòng hàng hóa thiết yếu.
Bộ trưởng Azmin nêu rõ: "Mặc dù thừa nhận rằng các nền kinh tế có thể cần thực hiện nhưng biện pháp khẩn cấp để giải quyết các thách thức từ đại dịch COVID-19, song chúng tôi nhắc lại cam kết phối hợp để tạo điều kiện cho dòng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, tăng cường kết nối bằng cách tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và giảm thiểu gián đoạn giao dịch hàng hóa y tế, thực phẩm và nông sản, để chống lại đại dịch."
Ông Azmin cũng khẳng định những thách thức do dịch bệnh gây ra sẽ không thể ngăn Malaysia tổ chức một APEC thành công, bao gồm cả việc chuẩn bị cho tầm nhìn APEC sau năm 2020, trong bối cảnh các Mục tiêu Bogor sẽ được hoàn tất trong năm nay.
Bộ trưởng Azmin cho biết, Chính phủ Malaysia đã quyết định tiến hành các cuộc họp APEC năm nay theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên không loại trừ khả năng tổ chức các cuộc họp trực tiếp trong Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới.
Với tổng dân số 3 tỷ người, 21 nền kinh tế APEC chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và gần 50% thương mại thế giới. APEC hiện đang thúc đẩy các lĩnh vực như tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh, an ninh con người và hợp tác kinh tế kỹ thuật, nhằm đạt được sự tăng trưởng và thịnh vượng bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.