Tòa án Liên bang Australia, ngày 18/6 đã yêu cầu Apple trả 9 triệu đôla Australia (khoảng 6,8 triệu USD) cho những khách hàng không được hoàn tiền do không sử dụng được iPhone sau khi sửa chữa.
Lỗi này có tên mã là Lỗi 53, được báo cáo lần đầu tiên vào năm 2016. Nếu người dùng sửa màn hình bị nứt hoặc nút Home Touch ID bị lỗi thông qua bên thứ ba không được Apple ủy quyền cấp phép, hệ thống "kiểm tra bảo mật" sẽ khiến iPhone hoặc iPad của họ không sử dụng được, chỉ hiển thị thông báo "Lỗi 53."
Apple đã từng giải thích thông báo này như một biện pháp bảo mật, để bảo vệ cảm biến vân tay của iPhone khỏi bị tháo lắp. Sau đó, nhà sản xuất iPhone đã phát hành bản cập nhật iOS 9.2.1 để khôi phục các thiết bị đã bị chặn sử dụng. Tuy nhiên nhiều nguồn tin cho thấy Touch ID đã không hoạt động và khách hàng phàn nàn rằng họ vẫn bị mất ảnh, tài liệu và ứng dụng.
[Apple bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế, có thể bị cấm nhập iPhone]
Vào tháng Tư năm 2017, Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Australia (ACCC) đã bắt đầu một cuộc chiến pháp lý với Apple tại Tòa án Liên bang Australia. Ủy ban này cho biết Apple đã vi phạm quyền của khách hàng theo Luật Người tiêu dùng./.