ARF nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội để chống khủng bố

Các nước tham dự ARF đã nhấn mạnh "sự cần thiết của việc sử dụng truyền thông xã hội một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm chống lại các hoạt động truyền bá chủ nghĩa khủng bố trên mạng."
ARF nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội để chống khủng bố ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ tư, trái) và các Ngoại trưởng ASEAN tại Diễn đàn ARF ở Manila (Philippines). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng các nước tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 7/8 đã nhất trí tăng cường sử dụng truyền thông xã hội trong cuộc chiến chống khủng bố, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về những mối đe dọa từ những tay súng khủng bố nước ngoài tại khu vực.

Theo tuyên bố của Chủ tịch ARF, các nước tham dự đã nhấn mạnh "sự cần thiết của việc sử dụng truyền thông xã hội một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm chống lại các hoạt động truyền bá chủ nghĩa khủng bố trên mạng."

Nội dung trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về mối đe dọa từ các tay súng khủng bố người nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa các phiến quân ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng chính phủ tại thành phố Marawi miền Nam Philippines.


[ARF cần tăng tính hành động và các sáng kiến thiết thực]

Truyền thông xã hội được xem là một phương thức truyền thông kiểu mới, theo đó tin tức có thể được chia sẻ và lưu truyền nhanh chóng, cùng với đó là tính năng đối thoại bởi người dùng có thể bày tỏ ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Những cách thể hiện của truyền thông xã hội có thể dưới hình thức các mạng giao lưu chia sẻ thông tin cá nhân như Facebook hay các mạng chia sẻ tài nguyên, như chia sẻ video trên trang YouTube.

ARF lần thứ 24 là một trong những sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 diễn ra từ ngày 2-8/8 tại thủ đô Manila của Philippines với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 17 đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục