Argentina không từ bỏ việc đòi chủ quyền quần đảo tranh chấp

Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ việc đòi chủ quyền quần đảo tranh chấp nằm ở Nam Đại Tây Dương.
Argentina không từ bỏ việc đòi chủ quyền quần đảo tranh chấp ảnh 1Quần đảo tranh chấp nằm ở Nam Đại Tây Dương mà Buenos Aires gọi là Malvinas và London gọi là Falklands. (Nguồn: AFP)

Ngày 23/6, Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ việc đòi chủ quyền quần đảo tranh chấp nằm ở Nam Đại Tây Dương mà Buenos Aires gọi là Malvinas và London gọi là Falklands, đồng thời yêu cầu Anh đàm phán để tìm giải pháp giải quyết bất đồng.

Phát biểu trước Ủy ban phi thực dân của Liên hợp quốc, bà Malcorra khẳng định việc đòi chủ quyền đối với quần đảo trên là chính sách của quốc gia và được các chính phủ tiếp nối. Ngoại trưởng Malcorra nhấn mạnh đây là vấn đề lịch sử và là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Argentina, đồng thời Hiến pháp nước này cũng nêu rõ đây là mục tiêu “thường trực và không bao giờ từ bỏ.”

Bà Malcorra cũng cho biết Tổng thống Mauricio Macri đã bày tỏ thiện chí mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ với Anh và từng có các buổi tiếp xúc với Thủ tướng David Cameron cũng như Ngoại trưởng Philip Hammond.

Bà nhấn mạnh Buenos Aires và London đều tin tưởng rằng những bất đồng trong vấn đề này sẽ không ảnh hưởng tới việc phát triển mối quan hệ song phương.

Quần đảo Malvinas/Falklands, nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000km. Tranh chấp chủ quyền liên quan khu vực nói trên có từ những năm 1820 khi Argentina tiếp quản những quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó.

Tuy nhiên, đến năm 1883, Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây. Năm 1982, quân đội Anh và Argentina từng có cuộc giao chiến đẫm máu liên quan đến chủ quyền quần đảo Malvinas/Falklands. Cuộc chiến kéo dài 74 ngày đã làm 649 lính Argentina, 255 binh sỹ Anh và 3 dân đảo thiệt mạng.

Mặc dù Argentina và Anh đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ tháng 2/1990 nhưng những tranh chấp chủ quyền liên quan quần đảo trên vẫn còn tiếp diễn, thậm chí trong những năm gần đây tranh chấp còn trầm trọng hơn khi London tiến hành khoan thăm dò và tuyên bố phát hiện dầu khí tại khu vực này. Anh cũng đã tuyên bố tăng cường quân sự ở quần đảo này trước sự đe dọa của Argentina khiến tình tình càng trở nên phức tạp.

Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện nguyện vọng.

Năm 2013, Anh đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trong đó đa số người dân sinh sống trên quần đảo bày tỏ vẫn muốn tiếp tục chịu sự quản lý của Anh - điều mà Argentina không chấp nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.