Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner ngày 26/1 thông báo sẽ trình Quốc hội dự luật về việc cải cách hệ thống tình báo nước này, theo đó sẽ giải thể Cơ quan quốc vụ khanh về tình báo (SI) trực thuộc Chính phủ và thành lập Cơ quan tình báo liên bang trực thuộc Bộ công cộng.
Theo bà, lãnh đạo của cơ quan này sẽ do Chính phủ đề cử và phải được Quốc hội thông qua.
Bà cũng cho biết đã triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội ngày 1/2 để thảo luận dự luật trên.
Bà Cristina đã bất ngờ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo quyết định trên một tuần sau khi một công tố viên có tên Alberto Nisman bị phát hiện chết bởi một viên đạn tại nhà riêng. Cho tới thời điểm này các cơ quan chức năng chưa làm làm rõ được cái chết là do tự tử hay là do bị ám sát.
Trước đó, chính phủ Argentina cho rằng một nhóm trong cơ quan tình báo Argentina đứng đằng sau cái chết mờ ám của ông Nisman và khẳng định vụ việc này nhằm hạ thấp uy tín của Chính phủ.
Ông Nisman là công tố phụ trách điều tra vụ đánh bom khủng bố nhằm vào trụ sở Hiệp hội Do thái ở thủ đô Buenos Aires năm 1994 khiến 85 người thiệt mạng. Cái chết của ông gây chấn động dư luận vì xảy ra 4 ngày sau khi ông tố cáo Tổng thống Cristina và Ngoại trưởng Héctor Timerman tìm cách che chở các quan chức Iran bị cáo buộc là thủ phạm của vụ khủng bố.
Tháng 1/2013, Argentina và Iran đã ký bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập một ủy ban độc lập điều tra vụ tấn công khủng bố trên. Đây là vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Argentina, mà theo cộng đồng Do thái là do chính phủ Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah tổ chức và thực hiện.
Ông Nisman cho rằng Tổng thống Cristina muốn bảo vệ các quan chức Iran bị cáo buộc tham gia khủng bố nhằm theo đuổi mục đích kinh tế, trong đó có việc đổi lương thực lấy dầu mỏ của Teheran. Thế nhưng cáo buộc này bị chính phủ Argentina bác bỏ vì không có cơ sở.
Ông Nisman cũng cho rằng chính phủ Argentina tìm cách dỡ bỏ lệnh truy nã của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) nhằm vào các quan chức Iran trên. Tuy nhiên, chính Interpol đã bác bỏ điều này.
Bà Cristina coi việc ký bản ghi nhớ là một sự kiện “lịch sử”, vì Argentina và Iran sẽ không cho phép vụ khủng bố được sử dụng như là “một quân cờ trong bàn cờ lợi ích địa chính trị của bên ngoài”. Tuy nhiên, theo bà, SI đã tìm cách phá hoại văn bản này.
Tháng 12 mới đây, Tổng thống Cristina Fernández đã thay lãnh đạo cao nhất của SI, mà theo nguồn tin báo chí là do có sự mất đoàn kết nội bộ./.