Đối mặt với những thách thức lớn là đại dịch COVID-19, căng thẳng trên Biển Đông và bất đồng thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam - với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 - vẫn đang xử lý rất hiệu quả và giữ vững chủ đề ASEAN 2020 là "Gắn kết và Chủ động ứng phó."
Mối quan hệ song phương của Việt Nam với Singapore cũng đang trong giai đoạn tốt đẹp, giúp tăng cường hợp tác ASEAN và thúc đẩy tiến trình này.
Đó là quan điểm của học giả Yang Kassim Razali, Nghiên cứu viên Cao cấp thuộc Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam Singapore - RSIS, với góc nhìn về vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy một ASEAN gắn kết và chủ động ứng phó.
Mối quan hệ của Việt Nam với ASEAN và Singapore
Kể từ khi gia nhập ASEAN, mối quan hệ giữa Việt Nam với khối này trở nên ngày càng tốt đẹp.
Trên thực tế, tư cách thành viên của Việt Nam đã mở đường cho sự gia nhập của Campuchia, Lào, Myanmar (các nước CLMV) những năm tiếp theo đó, dẫn tới sự “thống nhất” của tất cả các nước trên đất liền và trên biển trong khu vực Đông Nam Á.
Sau 25 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh tới mức mà hiện nay là một trong những nền kinh tế mới tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
[Nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức]
Sự thay đổi tích cực này, được thôi thúc từ niềm khát khao thành công, được lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận rộng rãi trong các tuyên bố của họ, cũng như từ góc nhìn của các nhà phân tích và nhà quan sát trên toàn thế giới.
Một trong những trụ cột cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là mối quan hệ song phương năng động của Việt Nam với các nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN, đặc biệt là với Singapore.
Có thể nói rằng mối quan hệ Việt Nam-Singapore “tốt đẹp và toàn diện” là nền tảng cho sự liên kết khối của ASEAN. Trên thực tế, năm 2013, mối quan hệ hai bên đã được nâng lên thành Đối tác Chiến lược.
Một điểm nhấn trong quan hệ Singapore-Việt Nam là chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong năm 2018, trong thời điểm đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai bên.
Cả hai lãnh đạo đã đều nhấn mạnh rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư mở rộng đã định hình một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Singapore.
Các công ty Singapore cũng đã không ngừng đầu tư vào Việt Nam qua các năm.
Năm 2017, tổng đầu tư của Singapore đạt 43 tỷ USD với hơn 1800 dự án, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong ASEAN, và là đối tác đầu tư lớn thứ ba thế giới của Việt Nam.
Singapore có bảy khu công nghiệp Việt Nam-Singapore tại Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An và Quảng Ngãi.
Bộ Ngoại giao Singapore khẳng định đó là những biểu tượng vững chắc của mối quan hệ hợp tác kinh tế gần gũi giữa Việt Nam và Singapore.
Theo một số chuyên gia kinh tế Singapore, kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới sẽ có quy mô lớn hơn quy mô kinh tế Singapore (vốn là quốc gia phát triển nhất trong ASEAN).
Còn theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có vị trí thuận lợi để nắm lấy những cơ hội lớn do một loạt các thỏa thuận tự do thương mại mang lại.
Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN
Không có gì là ngạc nhiên khi với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam đã rất tự tin trong việc tiếp nhận vai trò luân phiên Chủ tịch ASEAN.
Lần đầu tiên Hà Nội đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN là vào năm 1998, chỉ ba năm sau khi tham gia ASEAN. Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên vào năm 2010.
Và vào ngày 4/11/2019, lần thứ ba, Việt Nam chính thức tiếp nhận vai trò Chủ tịch từ Thái Lan, bắt đầu cho việc thực hiện vai trò lãnh đạo của ASEAN trong năm 2020.
Việc đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN là rất quan trọng do điều này nhấn mạnh sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc và mối quan hệ gắn bó mà các quốc gia ASEAN còn lại đã xây dựng với Việt Nam.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, chủ đề dẫn dắt của Việt Nam đối với ASEAN là “Gắn kết và chủ động thích ứng.”
Thành tố “Gắn kết” ngụ ý rằng mục tiêu của Việt Nam là nhằm tái củng cố sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN trong đối phó với các thách thức chung.
Thành tố “Chủ động thích ứng” phản ánh việc Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy và phát triển năng lực tự lực, tự cường của ASEAN đối với các cú sốc và các cuộc khủng hoảng.
Thật không may là đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động tiêu cực trên toàn cầu và trong ASEAN ngay khi Hà Nội tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN.
Rõ ràng, đại dịch này là thách thức lớn nhất trong ba thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN đang được thử thách hơn bao giờ hết.
Trong khi Việt Nam phải đảm nhiệm vị trí dẫn đầu để vận động ASEAN hướng tới một chiến lược chung đối phó với dịch COVID-19, Việt Nam cũng đồng thời phải giải quyết những sức ép từ trong nước do đại dịch gây ra.
Bất chấp những khó khăn đó, với một chiến lược ngăn chặn, phòng ngừa chủ động và mạnh mẽ, xem cuộc chiến chống dịch như “chống giặc,” Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch (với chỉ 352 ca mắc và không có ca tử vong nào tính đến sáng 25/6), trở thành một hình mẫu hiệu quả trong đối phó dịch COVID-19.
Vượt qua những tác động tiêu cực
Vai trò lãnh đạo của Việt Nam cũng đã phải gánh chịu tác động tiêu cực khi đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn đã dẫn đến việc sự trì hoãn vô thời hạn của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN cũng như việc phải lùi thời gian tổ chức Cấp cao ASEAN 36.
Vào ngày 31/3/2020, trong bối cảnh các quốc gia tăng cường áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa trong khu vực, Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến đầu tiên của Nhóm Làm việc Hội đồng Điều phối ASEAN về tình trạng khẩn cấp y tế.
Việt Nam sau đó cũng đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+3 Đặc biệt (APT) vào ngày 14/4 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn đến quyết định thành lập một quỹ chung đối phó với đại dịch COVID-19.
Quay trở lại Thượng đỉnh APT vào ngày 14/4, Việt Nam đã triệu tập Thượng định ASEAN Đặc biệt về đại dịch COVID-19, chứng minh vai trò Chủ tịch chủ động và đầy trách nhiệm của ASEAN.
Tại phiên họp đặc biệt Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng, tương đồng với mối quan tâm của Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc ASEAN tăng cường thúc đẩy sự ứng phó đoàn kết với đại dịch COVID-19 “bởi vì điều đó thể hiện ASEAN phụ thuộc lẫn nhau và kết nối lẫn nhau như thế nào."
Trong bối cảnh các thách thức của sự biến đổi toàn cầu và khu vực không ngừng, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6 tới.
Người giữ vai trò tiền tuyến của mặt trận đa phương và ngoại giao, chuẩn bị cho các nghị trình hội nghị ASEAN và các hội nghị liên quan là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Và cũng thật thú vị, ông Phạm Bình Minh cũng là con trai của cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh là Phạm Văn Cương) - người đã đứng ở vị trí trung tâm trong các cuộc đàm phán ngoại giao Việt Nam-ASEAN trong những năm 1980.
Với việc điều phối đầy tính điêu luyện và khéo léo, hướng dẫn các nước thành viên kiểm soát các thách thức họ đang cùng đối mặt, Việt Nam đã thể hiện một sự khẳng định mạnh mẽ đầy quyết tâm để hướng đến một ASEAN Gắn kết và Chủ động ứng phó, giống như những gì nước này đã từng làm trước đây./.