ASEAN cần 29.400 tỷ USD chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo

Theo Bộ trưởng Năng lượng Indonesia, ASEAN cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo vì vậy ASEAN cần tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu.
ASEAN cần 29.400 tỷ USD chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo ảnh 1Một nhà máy điện Mặt Trời. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Phát biểu tại lễ khai mạc nhiệm kỳ Chủ tịch năng lượng ASEAN 2023 ngày 31/3 ở Jakarta, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif khẳng định rằng các nước ASEAN cần các công nghệ carbon thấp có thể tiếp cận và tài trợ lãi suất thấp từ nhiều nguồn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Dẫn một báo cáo của IRENA, ông Arifin cho biết ASEAN sẽ cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo. Đó là lý do ASEAN cần tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á.

ASEAN đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và 35% tổng công suất điện lắp đặt vào năm 2025. Các nước thành viên cũng được kỳ vọng sẽ đạt được mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo ông Arifin, Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 cũng mong muốn tất cả các nước thành viên ASEAN công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 41 vào tháng 8/2023 tới.

[Các nước ASEAN hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0]

Ông Arifin nhấn mạnh: “Cam kết chung của chúng ta sẽ trở thành nền tảng cho lộ trình phát thải ròng bằng 0 trong ASEAN. Lộ trình này sẽ phục vụ như một kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, với giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội, cũng như các ưu tiên của các quốc gia ASEAN."

Bộ trưởng Arifin cũng cho hay ASEAN có 17.000 GW tiềm năng năng lượng tái tạo. Một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Indonesia, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn khoáng sản dồi dào vốn là nền tảng chính cho các công nghệ năng lượng sạch như xe điện. ASEAN cần nỗ lực chung để xây dựng ngành công nghiệp hạ nguồn trong khu vực.

Trước đó, ông Arifin từng đề cập đến một nghiên cứu chung của IRENA-ACE về triển vọng năng lượng ASEAN với các kịch bản ít tham vọng hơn. Theo đó, để sản xuất 90% năng lượng tái tạo, ASEAN cần 28.100 tỷ USD đến năm 2050.

Nghiên cứu cũng đưa ra Kịch bản chuyển đổi năng lượng (TES) với tổng chi phí lên tới 27.000 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục