Theo trang mạng eurasiareview.com, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có kế hoạch thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững và Đối thoại (ACSDSD).
Việc trung tâm này có hỗ trợ được ban lãnh đạo ASEAN trong hợp tác phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào mục đích của cơ quan mới này.
Các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á nên áp dụng các bài học từ những kinh nghiệm và thực tiễn trong quá khứ của ASEAN để vạch ra các nhiệm vụ và khung pháp lý của Trung tâm.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo tài chính của thế giới đã tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế-Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) tổ chức tại Bali (Indonesia) từ ngày 12-14/10.
Bên lề hội nghị, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã tổ chức một buổi họp không chính thức hôm 11/10, một ngày trước khi khai mạc phiên họp toàn thể.
Mặc dù các cuộc họp này liên quan đến những bên khác nhau, nhưng có một điểm chung là thảo luận về phát triển bền vững.
Phát triển bền vững được định nghĩa là "sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu riêng của họ."
[ADMM 12: Tăng cường hợp tác quốc phòng, xây dựng lòng tin thực chất]
Nói cách khác, phát triển vì thế hệ hôm nay nhưng không gây thiệt hại cho thế hệ mai sau. Sự phát triển như vậy đã là nguyên tắc hướng dẫn cho các nước "đạt được, một cách cân bằng, sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường."
Tại sao phát triển bền vững quan trọng đối với ASEAN?
Tại Hội nghị IMF-WB ở Bali, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh tình trạng nợ công ở một số nước như là một yếu tố đáng lo ngại; nó có thể làm giảm khả năng sử dụng các quỹ của chính phủ để thực hiện các chương trình tài chính và các nhu cầu trong nước để đạt được các mục tiêu được nêu trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Nhân đây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành cuộc họp mang chủ đề "Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và khắc phục khoảng cách phát triển thông qua các hoạt động hợp tác khu vực và toàn cầu."
Các quốc gia Đông Nam Á nhấn mạnh những thành tựu của ASEAN trong việc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 và thảo luận những thách thức còn tồn tại đối với phát triển bền vững. Cùng với IMF và WB, các quốc gia Đông Nam Á coi phát triển bền vững là rất quan trọng và vì lợi ích của chính họ.
Trước tiên, các quốc gia bắt đầu thực hiện các kế hoạch phát triển có thể bị thâm hụt thương mại, buộc họ có thể phải vay tiền từ IMF để giúp nền kinh tế của mình.
Ví dụ, Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan quy định Pakistan phải nhập khẩu máy móc để xây dựng hạ tầng cơ sở. Trong 2 năm đầu xây dựng, Islamabad đã chứng kiến mức thâm hụt thương mại tăng 50%, khiến Chính phủ Pakistan phải đề xuất IMF cứu trợ.
Thứ hai, các sáng kiến phát triển được các cường quốc sử dụng như là một phần của trò chơi tranh giành quyền lực của họ. Ở Đông Nam Á, chỉ tính tiểu vùng sông Mekong, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang cạnh tranh thông qua các kế hoạch của họ, như Hợp tác Lan Thương-Mekong, Hợp tác Nhật Bản-Mekong và Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, để giành ảnh hưởng trong khu vực này.
Ngoài ra, việc các quốc gia theo đuổi phát triển kinh tế có thể làm tê liệt khả năng trả nợ của họ. Sri Lanka, Kenya, Djibouti, Kyrgyzstan Mông Cổ và Lào là một trong những ví dụ.
Tình trạng nợ công cuối cùng có thể gây nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia, được phản ánh qua thực tế trường hợp của Sri Lanka khi chính phủ nước này đã phải đồng ý cho Trung Quốc - chủ nợ của họ - thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm.
Do đó, nếu các nền kinh tế ASEAN không muốn thấy chính họ rơi vào tình huống như vậy, họ phải thực hiện phát triển bền vững một cách nghiêm túc và đẩy mạnh nỗ lực dẫn đầu trong hợp tác phát triển bền vững bằng cách trở thành những người lập ra quy tắc, chứ không phải những người làm theo quy tắc .
Tăng cường sự lãnh đạo của ASEAN trong phát triển bền vững
Có bằng chứng cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đang theo đuổi sự lãnh đạo như vậy. Họ đang có kế hoạch ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững và Đối thoại của ASEAN (viết tắt là ACSDSD) vào năm tới. Trung tâm này được sử dụng như một cơ chế tổ chức tạo điều kiện cho sự hợp tác phát triển bền vững trong khu vực.
Dự kiến trung tâm sẽ thực hiện các nhiệm vụ, từ hỗ trợ thực hiện các dự án và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN và các đối tác phát triển của ASEAN.
ACSDSD có thể tăng cường sự lãnh đạo của ASEAN trong hợp tác phát triển bền vững bởi cơ quan này có thể cung cấp các diễn đàn thảo luận bằng cách mời các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác phát triển gặp gỡ và trao đổi quan điểm về phát triển.
Hơn nữa, Trung tâm có thể cho phép các nền kinh tế Đông Nam Á có tiếng nói trong việc soạn thảo và thực hiện dự án, và nhắm vào cách tiếp cận của các đối tác phát triển với các cam kết của ASEAN đối với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Ngoài ra, ACSDSD có thể giúp đảm bảo rằng các dự án được thực hiện theo cách duy trì các tiêu chuẩn của ASEAN về tính minh bạch và thân thiện với môi trường.
Đi đúng hướng, nhưng…
Mặc dù ý tưởng thiết lập ACSDSD là một bước đi đúng hướng, vẫn cần phải làm nhiều hơn thế. Quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo ASEAN phải đưa ra một ACSDSD hiệu quả, có khả năng tập hợp các nguồn lực từ các lĩnh vực khác nhau và tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ chế khác nhau.
Đó là vì phát triển bền vững là đa lĩnh vực và liên ngành đòi hỏi trung tâm phải hợp tác với các định chế khác nhau. Ví dụ, để đảm bảo rằng các chương trình phát triển không gây hại cho môi trường, ACSDSD phải hợp tác với Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, để đưa ra một hệ thống giám sát các khoản nợ của các quốc gia do theo đuổi phát triển kinh tế, Trung tâm phải làm việc với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO).
Làm thế nào để sự hợp tác đa ngành và đa lĩnh vực như vậy được thực hiện? Câu trả lời có thể được rút ra từ những kinh nghiệm và thực tiễn trong quá khứ của ASEAN.
Ví dụ, Ủy ban điều phối kết nối ASEAN (ACCC) đã đảm nhận vai trò trung gian bằng cách sàng lọc các dự án do các tác nhân bên ngoài gây ra, và điều chuyển vốn và các nguồn lực khác từ các khu vực nhất định đến những nơi cần trợ giúp nhiều hơn.
Hơn nữa, Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA Center) đã phối hợp thành công các nỗ lực của nhiều bên, từ các nước không thuộc khối ASEAN, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai.
Các bài học từ những trường hợp này có thể được áp dụng cho việc soạn thảo các nhiệm vụ và khung pháp lý cho ACSDSD, có thể cho phép cơ quan này hỗ trợ ban lãnh đạo ASEAN một cách hiệu quả trong hợp tác phát triển bền vững.
Tuy nhiên, mặc dù các kế hoạch của ASEAN về thành lập ACSDSD là kịp thời, liệu Trung tâm sẽ được hình thành để giúp ASEAN thể hiện vai trò lãnh đạo trong hợp tác phát triển bền vững vẫn đang được xem xét.
Các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á nên áp dụng các bài học từ những kinh nghiệm và thực tiễn trong quá khứ của ASEAN để xây dựng các nhiệm vụ và khung pháp lý của Trung tâm.
Làm như vậy sẽ cho phép cơ quan này hoạt động hiệu quả với các lĩnh vực khác nhau cũng như tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ chế khác nhau, từ đó hỗ trợ ban lãnh đạo ASEAN trong hợp tác phát triển bền vững./.