Cuộc giao tranh kéo dài một tháng qua ở thành phố Marawi của Philippines và các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy "bóng đen" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lan rộng trong khu vực.
Trước tình hình này, các nước Đông Nam Á đã đạt được sự đồng thuận nhất định về tầm quan trọng và tính cấp bách của chiến dịch chống khủng bố hiện nay, đồng thời nhất trí rằng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vẫn là cơ chế quan trọng để khu vực Đông Nam Á hợp tác đối phó với chủ nghĩa khủng bố.
Các xu hướng mới của chủ nghĩa khủng bố
Trong bản đồ bành trướng trên toàn cầu của IS, Đông Nam Á là khu vực trọng tâm mà chúng sẽ thâm nhập, đặt ra nguy cơ bất ổn đối với an ninh và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, nền văn hóa và tôn giáo đa dạng của khu vực. Mối đe dọa của IS ở Đông Nam Á đang ngày càng hiện hữu và cho thấy nhiều xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố.
[IS âm mưu mở rộng hoạt động tại Trung Á và Đông Nam Á]
Từ năm 2016, IS đã gây ra ít nhất 5 cuộc tấn công khủng bố lớn ở Đông Nam Á, nhưng đây là lần đầu tiên chúng đối đầu với quân đội chính phủ Philippines trong một thời gian dài sau khi tấn công thành phố Marawi. Đáng chú ý, mục đích của IS không chỉ là gây ra nỗi sợ hãi mà là chiếm địa bàn để thành lập căn cứ mới. Các sự kiện xảy ra gần đây cho thấy 4 xu hướng: Một là miền Nam Philippines đang trở thành trung tâm của IS ở Đông Nam Á, cuộc tấn công Marawi rất có khả năng là dấu hiệu cho thấy khu vực này đã được hình thành. Theo kế hoạch của IS, trong thời gian tới chúng sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của khu vực trung tâm này tới Singapore, Malaysia, Indonesia, miền Nam Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản. Hai là, các phần tử cực đoan ở trong và ngoài khu vực trung thành với IS tiếp tục kết nối với nhau.
Trong số các phần tử cực đoan bị tiêu diệt, quân đội chính phủ Philippines phát hiện chúng đến từ Saudi Arabia, Malaysia, Indonesia, Yemen và Cộng hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga. Một khi IS thành lập khu vực trung tâm ở miền Nam Philippines, các phần tử cực đoan mang quốc tịch nước ngoài sẽ tiếp tục được tập hợp ở trung tâm này, thậm chí sẽ coi đây là “chiến trường thay thế” ngoài khu vực Trung Đông, từ đó phát động các cuộc tấn công khủng bố với quy mô lớn hơn. Ba là, phương thức tác chiến của các tổ chức khủng bố ở khu vực Đông Nam Á dưới ảnh hưởng của IS đã có sự thay đổi. Xu thế các tổ chức khủng bố địa phương sáp nhập và hợp tác với IS dần trở nên rõ ràng hơn.
Bên cạnh phương thức tấn công như ẩn nấp ở các nơi bí mật để bắt cóc và tống tiền cũng khác nhau, giờ đây các nhóm khủng bố địa phương đã nhắm vào các thành phố, đây là một thách thức lớn đối với quân đội chính phủ vốn quen với chiến thuật chống khủng bố ở các khu vực rừng rậm hoặc nơi đồng không mông quạnh. Bốn là, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Marawi có thể sẽ nảy sinh “hiệu ứng làm mẫu” ở Đông Nam Á. Ngoài Philippines, Indonesia gần đây cũng xảy ra các cuộc tấn công có liên quan đến IS; Malaysia mới đây vừa bắt giữ một số người có liên quan đến IS. Lực lượng Hồi giáo ly khai ở miền Nam Thái Lan và các phần tử cực đoan Rohingya ở Myanmar cũng thường xuyên gây ra các vụ bạo loạn.
Vai trò của ASEAN
Đối mặt với thách thức do xu thế tăng cường thâm nhập của IS, các nước Đông Nam Á đã có những nỗ lực tích cực như tăng đầu tư cho chiến dịch chống khủng bố, cải thiện hệ thống luật chống khủng bố, chống lại tư tưởng cực đoan của IS và hợp tác chống khủng bố, trước hết là giám sát và chia sẻ thông tin tình báo. Các quốc gia Đông Nam Á cũng đã thông qua các diễn đàn hiện có như Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La và Thỏa thuận quốc phòng EPDA (gồm New Zealand, Australia, Anh, Singapore và Malaysia) để thúc đẩy việc hình thành cơ chế hợp tác chống khủng bố mang tính khu vực.
[Đông Nam Á có khả năng trở thành "một Nhà nước Hồi giáo tiếp theo"]
Hợp tác song phương chống khủng bố là phương cách chủ yếu trong chống khủng bố ở khu vực. Tuy nhiên, mỗi nước Đông Nam Á đối diện với mối đe dọa tấn công khủng bố khác nhau, năng lực tham gia của các nước trong cuộc chiến này cũng không đồng đều, vì vậy, ASEAN là cơ chế quan trọng để khu vực Đông Nam Á hợp tác chống khủng bố. Các nước cần cố gắng xây dựng cơ chế chống khủng bố khu vực có hiệu quả cao trong khuôn khổ ASEAN, biến cơ chế này thành chỗ dựa hiệu quả để tạo điều kiện thực thi các biện pháp chống khủng bố xuyên quốc gia.
Trong thời gian tới, một mặt các nước Đông Nam Á cần đưa ra các sáng kiến về chống khủng bố trong các hội nghị khu vực, thiết lập chương trình nghị sự liên quan đến chống khủng bố, tăng cường sự đồng thuận chống lại chủ nghĩa khủng bố; mặt khác, phải thông qua các phương tiện truyền thông vạch trần các hành động của IS và mức độ nguy hại của nó để tăng cường môi trường dư luận xã hội cho chiến dịch chống khủng bố, kiểm soát chặt mọi hoạt động tuyên truyền cực đoan trên mang xã hội...
Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa khủng bố ở Đông Nam Á có mối liên quan chặt chẽ với các vấn đề dân tộc và tôn giáo tồn tại trong thời gian dài của khu vực, đặc biệt là chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Vì vậy, các nước Đông Nam Á cần giải quyết hợp lý các vấn đề tôn giáo sắc tộc để loại bỏ "mảnh đất" nuôi dưỡng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa các lực lượng ly khai để tránh nguy cơ xung đột leo thang. Đối với cộng đồng người Hồi giáo đông đúc trong khu vực, trong tương lai các nước Đông Nam Á cần tiếp tục phát huy vai trò của người Hồi giáo ôn hòa, truyền bá tư tưởng và quan niệm tôn giáo Hồi giáo chính thống; tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng cho cộng đồng người Hồi giáo, đặc biệt là các nhóm thanh niên Hồi giáo có khuynh hướng cấp tiến, ngăn chặn các phần tử khủng bố "từ trong trứng nước"... Bên cạnh đó, Đông Nam Á cần phối hợp chống khủng bố với các nước láng giềng như Trung Quốc./.