ASEAN dự kiến trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030

Ngày 8/8, tại Cairo, Ủy ban ASEAN ở Cairo tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (8/8), với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán các nước ASEAN tại Cairo.
ASEAN dự kiến trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 ảnh 1Kéo cờ ASEAN và các nước. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/8, tại thủ đô Cairo của Ai Cập, Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Cairo tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2017), với sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán các nước ASEAN tại Cairo.

Cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Singapore, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Brunei, Phillipines, Myanmar và Việt Nam, đại diện các Bộ Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Giáo dục của Ai Cập, cũng như các cơ quan ngoại giao của nhiều nước tại Ai Cập và đông đảo bạn bè quốc tế đã tham dự.

[ASEAN - khu vực có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới]

Phát biểu chào mừng tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Thái Lan Premjith Sadasivan điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN trong 50 năm qua.

Đại sứ Sadasivan nhấn mạnh: "Từ khi thành lập tới nay, các thành viên cùng chung chí hướng của ASEAN đã và đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng vững mạnh hơn trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, với niềm tin rằng nếu chúng ta đoàn kết và sát cánh cùng nhau, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực."

Cũng tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Philippines Leslie J. Baja khẳng định sau 50 năm hình thành và phát triển, ngày nay ASEAN đã trở thành một tổ chức lớn mạnh với 10 quốc gia thành viên năng động, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, vì độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau.

Trên mặt trận an ninh và chính trị, Đại sứ Baja nêu rõ: "Chúng ta nhận thấy rằng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đang thử thách sự quyết tâm của chúng ta trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Những diễn biến địa chính trị trên thế giới ngày nay cũng đặt ra thách thức đối với chúng ta trong việc chia sẻ các lợi ích và mục tiêu.

Về kinh tế, ASEAN đã trở thành một khu vực hội nhập sâu rộng. ASEAN đã đạt được các bước đột phá lớn trong hội nhập khu vực, với việc hoàn tất Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

ASEAN là thị trường lớn thứ bảy thế giới và là khu vực có lực lượng lao động lớn thứ ba toàn cầu. ASEAN dự kiến sẽ trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030."

Đánh giá về vai trò và vị trí của ASEAN trong chính sách "Hướng Đông" của Ai Cập, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long cho biết trong 2-3 năm qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sissi đã công du một số nước ASEAN và dự kiến sẽ đi thăm một số quốc gia khác trong khu vực. Điều này cho thấy quan hệ giữa Ai Cập và ASEAN đang ngày càng phát triển.

Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, trong thời gian từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Cairo, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, với sự tham gia của các bạn trong ASEAN.

Trong 2 năm qua, với sự ủng hộ của Đại sứ quán các nước ASEAN, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức thành công nhiều sự kiện, đặc biệt là các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam tại Ai Cập, qua đó cũng là quảng bá văn hóa của Việt Nam đến với các bạn bè trong ASEAN.

Đại sứ chia sẻ: "Trong năm 2018 khi Đại sứ quán đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Cairo, chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình hành động với sự tham gia của các nước ASEAN tại đây"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục