Theo Tân Hoa xã, thế giới năm 2018 trải qua nhiều biến động mạnh mẽ và trật tự quốc tế phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đẩy mạnh thiết lập hệ thống đa phương dựa trên các quy tắc và sự hội nhập nội khối, đồng thời thắt chặt quan hệ với các nước trên toàn thế giới.
Với chủ đề "Tự cường và Sáng tạo," các quốc gia ASEAN đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế và xây dựng cộng đồng, đồng thời tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế theo các khuôn khổ quan hệ đối tác khác nhau giữa khối này với các nước và các tổ chức khu vực khác.
[Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam]
Theo tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 diễn ra tại Singapore tháng 11 vừa qua, các nước ASEAN năm 2018 đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một cộng đồng hội nhập, gắn kết, sáng tạo và tự cường thông qua việc thực thi đầy đủ những sáng kiến lớn trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) năm 2025, Sáng kiến về việc hội nhập ASEAN năm 2025.... ASEAN cũng nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết, tính hiệu quả cũng như hợp tác về chính sách thông qua ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN gồm: Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Cũng theo Tân Hoa xã, ASEAN đạt được tiến bộ lớn trong việc thực thi 5 "mũi tên" kinh tế mà nước Chủ tịch ASEAN (Singapore) đã vạch ra cho năm 2018, đó là: đẩy mạnh sáng tạo và thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại; tăng cường dịch vụ và hội nhập đầu tư; tạo môi trường pháp lý thuận lợi; và đẩy mạnh các mối quan hệ ngoại khối ASEAN.
Năm 2017, GDP của toàn khối ASEAN đạt 2,8 nghìn tỷ USD, đạt mức tăng trưởng hàng năm là 5,3%, tăng so với mức 4,8% năm 2016. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 2,57 nghìn tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch thương mại dịch vụ đạt 695,2 tỷ USD. Giới chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP toàn khối sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 5,1% và 5,2% trong năm 2018 và 2019.
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ký Thỏa thuận thương mại điện tử ASEAN, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch thương mại điện tử qua biên giới và tăng cường lòng tin vào việc sử dụng thương mại điện tử trong khu vực, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển xã hội.
Cũng tại hội nghị, Ban Thư ký ASEAN cho biết toàn khối đã sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Một trong những thành tựu đáng chú ý của sự đổi mới và công nghệ là các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN), kết nối 26 thành phố thí điểm. Mạng lưới này sẽ tập trung vào các giải pháp lấy con người làm trung tâm, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa.
Trong bối cảnh nguyên tắc hợp tác và hội nhập đa phương được coi là nền tảng của ASEAN, các nhà lãnh đạo khối chủ trương tập trung đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời kiên định đẩy mạnh hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và cởi mở.
Tại hội nghị thượng đỉnh Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ hai bên lền hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết theo sáng kiến của ASEAN, quá trình đàm phán RCEP đã đạt được tiến bộ đáng kể trong năm nay và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2019. RCEP - một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được được đề xuất giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác FTA của họ bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ - được cho là sẽ trở thành một trong những khối thương mại lớn nhất của thế giới, chiếm đến 45% dân số thế giới, 40% thương mại toàn cầu và hơn 30% GDP của thế giới.
Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh việc hoàn tất RCEP sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng về cam kết đối với thương mại đa phương, vốn được coi là điều tối cần thiết trong bối cảnh thái độ chống toàn cầu hóa đang ngày càng gia tăng. Song song với điều này, ASEAN cũng thắt chặt quan hệ với các đối tác bên ngoài, bao gồm cả các cường quốc lớn và các tổ chức quốc tế./.