Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 29/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 482.811.879 ca COVID-19, trong đó có 6.151.003 ca tử vong. Hơn 417,35 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 59,31 triệu người chưa khỏi.
Tính đến hết ngày 28/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số trên 26 triệu ca mắc và 399.482 ca tử vong.
Trong ngày, ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Tại châu Á, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo số ca mắc mới được phát hiện trong đợt xét nghiệm bắt buộc có xu hướng giảm. Điều này có thể do nhiều người đã từng mắc trước đó và không phải thực hiện xét nghiệm bắt buộc.
Kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ 5 bùng phát tại Hong Kong, chính quyền Hong Kong đã thực hiện 287 đợt xét nghiệm bắt buộc và tỷ lệ dương tính của đợt mới nhất thực hiện ngày 27/3 là 0,4%, thấp nhất trong các đợt.
Kết quả xét nghiệm sẽ được sử dụng làm một cơ sở để chính quyền đánh giá và cân nhắc khả năng thực hiện các đợt xét nghiệm tiếp theo.
Ngày 28/3, đặc khu hành chính này ghi nhận tổng cộng hơn 7.600 ca mắc mới, bằng hình thức xét nghiệm nhanh và xét nghiệm acid nucleic.
Tại châu Âu, giới chức Pháp thông báo số bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng thêm 467 người lên mức 21.073 người. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 1/2.
Tính theo tuần, số ca nhập viện tăng 1,8% và hiện vẫn đang tiếp tục tăng ngày thứ 5 liên tiếp sau thời gian giảm ổn định từ đầu tháng 2. Số ca mắc bệnh tại Pháp cũng đã tăng dần từ đầu tháng 3, với trung bình số ca mắc trong 7 ngày là 127.488 ca, cao nhất trong 6 tuần.
Hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch tại Pháp đã được dỡ bỏ từ 3 tuần trước. Ngày 28/3, Pháp ghi nhận 29.455 ca mắc mới.
[Tình hình dịch COVID-19: Thế giới đã có gần 6,15 triệu ca tử vong]
Tại Mỹ, gần 30.000 trẻ em đã được xác nhận mắc COVID-19 trong tuần qua. Số ca mắc mới ở trẻ em Mỹ tăng mạnh trong năm 2022 khi làn sóng dịch mới bùng phát do biến thể Omicron lây lan nhanh, với hơn 4,9 triệu ca được ghi nhận từ đầu tháng 1.
Theo Viện nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội viện nhi Mỹ, hơn 12,8 triệu trẻ em Mỹ mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, trong đó hơn 171.000 ca được ghi nhận trong 4 tuần qua.
AAP cho rằng cần phải đánh giá những tác động của đại dịch với sức khỏe trẻ em cũng như những tác động lâu dài về thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch.
Cùng ngày, Mỹ đã nới lỏng cảnh báo đi lại liên quan tới dịch COVID-19 với Ấn Độ và một số quốc gia khác.
CDC thông báo chuyển khuyến cáo đi lại COVID-19 của Ấn Độ từ "Cấp độ 3: Cao" xuống còn "Cấp độ 1: Thấp," theo đó kêu gọi những công dân Mỹ chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 tránh đi lại tới những địa điểm đó.
CDC cũng hạ mức cảnh báo đi lại đối với Chad, Guinea và Namibia xuống còn cấp độ 1. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã hạ mức cảnh báo đi lại đối với Ấn Độ xuống còn "Cấp độ 2: Tăng cường thận trọng," phản ánh mức nguy cơ COVID-19 đang giảm dần./.