Ngày 13/2, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết tổ chức khu vực này đang hướng tới mở rộng "sáng kiến một cửa" với Nhật Bản, qua đó tăng cường thương mại hai chiều trong năm 2023.
Phát biểu tại hội thảo về quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Tổng thư ký Kao khẳng định: “Ngoài việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ASEAN hy vọng có thể mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) với Nhật Bản nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại trong trạng thái bình thường mới.”
Theo ông Kao, trao đổi thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đạt 240,2 tỷ USD vào năm 2021, tăng 17,2% so với năm 2020 và vượt mức trước đại dịch. Kết quả này cũng đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 4 vào ASEAN trong số các nước đối tác của khối. Năm 2021, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 12 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2020.
Tổng Thư ký Kao nhấn mạnh mục tiêu gia tăng thương mại và đầu tư với Nhật Bản, đồng thời nêu bật những thành tựu đạt được trong 50 năm phát triển quan hệ song phương và hy vọng có thể làm được nhiều hơn nữa trong 50 năm tới. ASEAN cũng hoan nghênh ý định của Nhật Bản nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm nay.
[ASEAN, Nhật Bản cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác]
ASW là sáng kiến khu vực duy nhất kết nối và hợp nhất các Cơ chế một cửa Quốc gia (NSWs) của các nước thành viên ASEAN. Mục tiêu của ASW là đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa trong bối cảnh tăng cường hội nhập kinh tế trong khối, trong đó cho phép trao đổi các tài liệu thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN bằng phương thức điện tử. Vào năm 2019, ASW đã được triển khai tại tất cả các nước thành viên ASEAN.
Theo Bộ Thương mại Indonesia, quốc gia này đang hướng tới thực thi đầy đủ trao đổi điện tử Mẫu D thông qua ASW trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023. Mẫu D, hoặc giấy chứng nhận xuất xứ, là tài liệu xác nhận hàng hóa xuất khẩu được sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia cụ thể.
Trước đó, ASEAN và Nhật Bản chủ yếu thúc đẩy thương mại qua RCEP - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới. Ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, Nhật Bản là một trong những bên ký kết RCEP, cùng với Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và New Zealand. RCEP tiến tới loại bỏ 90% dòng thuế thương mại giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm kể từ khi chính thức có hiệu lực.
Liên quan các hoạt động nhân dịp 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN, tại một sự kiện được tổ chức tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hôm 13/2, Nhật Bản đã công bố kế hoạch hỗ trợ đào tạo công chức trẻ ở các nước ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các chính phủ trong khu vực.
Phát biểu trực tuyến tại sự kiện này, Ngoại trưởng Hayashi cho rằng thế giới đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt với nhiều vấn đề đan xen, trong đó có vấn đề xung đột Nga-Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Hayashi, trong bối cảnh diễn biến khu vực và thế giới phức tạp, Nhật Bản và ASEAN càng phải thắt chặt quan hệ song phương và thúc đẩy nỗ lực tiên phong trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Hayashi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản-ASEAN trong việc duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.
Với kế hoạch mới được công bố, Ngoại trưởng Hayashi cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ đào tạo công chức trẻ ở các nước thành viên, cũng như giúp cải thiện các chức năng hành chính tại cơ quan các cấp tại ASEAN.
Ông Hayashi cho biết các cuộc thảo luận song phương sẽ được tổ chức để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như hàng hải và kinh tế. Kế hoạch đào tạo công chức sẽ là một phần của tầm nhìn 50 năm tới, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Nhật Bản, dự kiến tổ chức vào tháng 12 năm nay tại Nhật Bản./.