Ngày 24/10, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ đã diễn ra phiên thảo chuyên đề về vũ khí thông thường tại Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban 1), trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Liên hợp quốc đánh giá rằng việc mua bán vũ khí thông thường trên thế giới đã liên tục tăng trong 10 năm qua.
Các loại vũ khí thông thường được tích tụ ở những khu vực có nguy cơ xung đột cao. Hàng năm có khoảng 200.000 nạn nhân do các loại vũ khí này, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Liên hợp quốc tiếp tục ưu tiên việc kiểm soát vũ khí thông thường và đã xây dựng Chương trình Nghị sự mới về Giải trừ quân bị cùng Chương trình hành động gồm 40 điểm, trong đó có các mục tiêu về giảm thiểu tác động của vũ khí thông thường đối với người dân và giải quyết việc tích tụ quá mức cũng như chống buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí này.
[Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động của LHQ]
Trong phiên thảo luận, các nước đề xuất một số biện pháp chính nhằm chống mua bán, sử dụng bất hợp pháp vũ khí thông thường; phòng chống, trấn áp các loại tội phạm, khủng bố; ngăn ngừa các xung đột tiềm năng; hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và kiểm soát các kho vũ khí hiện có; xây dựng lòng tin về các vấn đề quân sự và tăng cường đối thoại khu vực, quốc tế.
Thay mặt 10 nước ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu tại phiên thảo luận.
Đại sứ khẳng định các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến việc sản xuất, chuyển giao, lưu hành các loại vũ khí này tác động tiêu cực tới nỗ lực an ninh tập thể và việc xây dựng các xã hội thịnh vượng.
ASEAN tái khẳng định quyền chủ quyền đối với việc sở hữu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, duy trì các loại vũ khí thông thường, linh kiện và phụ tùng vì mục đích an ninh và bảo vệ tổ quốc.
Đại sứ đánh giá cao vai trò và các nỗ lực của Liên hợp quốc, đồng thời cho rằng cần tiếp tục cải tổ bộ máy giải trừ quân bị của Liên hợp quốc và tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực trong lĩnh vực này.
Đại sứ khẳng định ASEAN luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến vũ khí thông thường trong khu vực thông qua các cơ chế, như Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Chống tội phạm xuyên biên giới (AMMTC), tổ chức Cảnh sát ASEAN (ASEANPOL) và Viện khoa học Pháp y ASEAN (AFSN).
Trước việc nhiều nước trong khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hậu quả của bom mìn và vật liệu nổ trong chiến tranh, thay mặt ASEAN, Đại sứ hoan nghênh các hoạt động của Trung tâm Bom mìn ASEAN (ARMAC) và đề nghị các nước, các đối tác tiếp tục hợp tác, hỗ trợ ASEAN trong vấn đề này.
Ủy ban 1 của Liên hợp quốc sẽ tiếp tục các phiên họp đến tháng 11, thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết thuộc các đề mục quan trọng về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, quản lý, kiểm soát vũ khí thông thường, cải tổ bộ máy giải trừ quân bị, tăng cường an ninh khu vực, quốc tế và chống chạy đua vũ trang ngoài không gian vũ trụ./.