ASEAN không làm được gì nhiều đối với vấn đề Triều Tiên

Quan điểm chung của ASEAN đối với Bán đảo Triều Tiên không bao giờ vượt quá những nội dung chính lặp đi lặp lại là phi hạt nhân hóa
ASEAN không làm được gì nhiều đối với vấn đề Triều Tiên ảnh 1 Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền Tây Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong những tháng gần đây, căng thẳng gia tăng từ mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã làm dấy lên lo lắng trong toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á.

Dự kiến vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề chính tại Đối thoại Shangrila năm nay tại Singapore (từ 2-4/6).

Đánh giá về vai trò của các nước ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên, nghiên cứu viên Hoàng Thị Hà, chuyên gia về ASEAN tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á-ISEAS, Singapore cho rằng với tư cách là một tổ chức, ASEAN không làm được gì nhiều đối với vấn đề Triều Tiên.

Mặc dù gần đây, ASEAN đã tăng cường thể hiện mối quan ngại của khối về vấn đề hạt nhân và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên với tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 28/4/2017 nhưng quan điểm chung của ASEAN đối với Bán đảo Triều Tiên không bao giờ vượt quá những nội dung chính lặp đi lặp lại là phi hạt nhân hóa, quay trở lại bàn đàm phán 6 bên và làm giảm căng thẳng và tự kiềm chế bởi các bên có liên quan bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Chuyên gia Hoàng Thị Hà nhận định để có thể làm gia tăng hơn nữa áp lực, ngay cả đối với các tuyên bố về mặt ngoại giao, yếu tố đồng thuận trong toàn bộ các nước ASEAN là thực sự cần thiết, trong khi ASEAN lại không có được sự đoàn kết trong thời điểm này.

Một số nước thành viên ASEAN có mối quan hệ gần gũi với Triều Tiên hơn các nước thành viên khác; một số lại đang cảm thấy e ngại hơn nữa về các hoạt động khiêu khích của Bình Nhưỡng và âm thầm tránh xa mối nguy này, nhưng họ cũng không muốn làm hỏng quan hệ với nước này.

[Quan chức cấp cao Hàn Quốc đến Mỹ để bàn vấn đề Triều Tiên]

Bên cạnh đó, ASEAN cũng có những hạn chế trong ảnh hưởng tại các định chế đa phương như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), Hiệp ước Hợp Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) mà Bắc Triều Tiên là một thành viên.

Những gì ASEAN có thể làm là tạo ra và cung cấp một cơ sở bên lề ARF cho các cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và các nước liên quan.

Ngoại giao thầm lặng có thể giúp ASEAN duy trì được mối liên kết can dự này nhưng như thế là chưa đủ để ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong tương lai mỗi một quốc gia ASEAN riêng biệt nên suy nghĩ kỹ lưỡng lại và tái xác định hướng đi tương lai của mối quan hệ song phương giữa nước này với Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục