Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AEM) lần thứ 55, ngày 21/8, Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nga đã được tổ chức tại thành phố Semarang, Indonesia dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Zulkifli Hasan và Thứ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Vladimir Ilyichev.
Hội nghị ghi nhận Chương trình công tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga được triển khai thông qua nhiều dự án và hoạt động chung trong năm 2023, đồng thời khuyến khích hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số, khoa học-công nghệ-đổi mới (STI) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị hoan nghênh kết quả của Hội nghị bàn tròn Thương mại điện tử ASEAN-Nga được tổ chức trực tuyến ngày 10/8 vừa qua và kêu gọi hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Hội nghị cũng hối thúc ASEAN và Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) thăm dò các lĩnh vực hợp tác khả thi như số hóa, năng lượng và nông nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã hoan nghênh các sự kiện chung của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và ASEAN nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn như tổ chức giai đoạn 1 Hội thảo về chuyển đổi số tại EAEU và ASEAN vào ngày 1/3 vừa qua nhằm thăm dò tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi và giải quyết các thách thức về kỹ thuật số trong khu vực.
[Indonesia thúc đẩy hợp tác an ninh lương thực ASEAN-Nga]
Đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại Doanh nghiệp ASEAN-EAEU hôm 15/6 bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Peterburg (SPIEF), Hội nghị ghi nhận việc Nga mời các quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste tham gia Đối thoại Kinh doanh ASEAN-Nga bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) diễn ra từ ngày 10-13/9 tới cũng như vai trò của Hội đồng Kinh doanh Nga-ASEAN (RABC) trong việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động và chương trình, và việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời khuyến khích RABC tổ chức các sự kiện phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tăng cường liên kết kinh doanh và đầu tư để khôi phục chuỗi cung ứng, giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng.
Theo thống kê sơ bộ của ASEAN, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga đạt 15,5 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) song phương đạt 159,9 triệu USD, tăng 401,2% so với cùng kỳ năm 2021./.