ASEAN sẽ dùng số tiền đóng góp của các nước để mua vaccine COVID-19

Trước sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, vấn đề cấp bách là ASEAN cần củng cố các nỗ lực tập thể để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
ASEAN sẽ dùng số tiền đóng góp của các nước để mua vaccine COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Banda Aceh, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/8, Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Diễn đàn Truyền thông ASEAN lần thứ năm theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các quan chức ASEAN, các nhà hoạch định chính sách, đại diện nhiều cơ quan truyền thông, báo chí, học giả và lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực.

Chia sẻ về các mục tiêu, thành tựu cũng như thách thức của khu vực, Tổng thư ký Dato Lim Jock Hoi cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động tàn khốc đối với xã hội và các nền kinh tế ASEAN.

Trước sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, vấn đề cấp bách là cần củng cố các nỗ lực tập thể để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Tổng thư ký Dato Lim thông báo rằng, với phương châm “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng” của Năm Chủ tịch Brunei, ASEAN sẽ sử dụng số tiền đóng góp từ các quốc gia thành viên và các đối tác bên ngoài cho Quỹ ứng phó với COVID-19 của khu vực để mua vaccine tiêm chủng cho người dân.

Tổng thư ký Dato Lim cho rằng việc sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, và Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN sẽ củng cố năng lực của khu vực nhằm chuẩn bị ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp cũng như các các dịch bệnh mới nổi.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch triển khai tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 năm ngoái.

Kể từ đó, ASEAN đã đạt nhiều tiến bộ trong việc thực hiện ACRF xuyên suốt các mục tiêu, giai đoạn phục hồi, trong đó tập trung vào các lĩnh vực và tầng lớp xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Tổng thư ký Dato Lim thông báo rằng một trong những điểm nổi bật đáng chú ý của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan vừa được tổ chức vào đầu tháng này là thỏa thuận thúc đẩy một sáng kiến chiến lược và tổng thể nhằm liên kết các ứng phó của ASEAN với các tình huống khẩn cấp và thảm họa dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38; bổ nhiệm đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar; và trao quy chế đối tác đối thoại cho Anh.

[ASEAN nhận được 1,2 tỷ USD tài trợ từ các đối tác đối thoại]

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Hành động cân bằng của ASEAN giữa Mỹ và Trung Quốc," Tổng thư ký Dato Lim Jock Hoi chia sẻ rằng ông không mong đợi rằng các khó khăn trong quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ sớm được giải quyết, đồng thời cho rằng ASEAN cần phải chủ động, cần có định hướng hành động theo hướng tiếp tục hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc; giữ cân bằng giữa siêu cường nhằm đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và phát triển cho khu vực.

Ông Dato Lim nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác chiến lược lớn của ASEAN, cung cấp thương mại, đầu tư cho khu vực, đồng thời cũng là những nước có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế cũng như viện trợ phát triển cho ASEAN. Ngoài ra, hai nước cũng cung cấp một số “đòn bẩy chính trị” để ASEAN hợp tác cùng nhau trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

ASEAN sẽ dùng số tiền đóng góp của các nước để mua vaccine COVID-19 ảnh 2Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi.(Nguồn: VNA/VNS )

Chia sẻ quan điểm này, cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng hiện rất khó để dự đoán rằng cạnh tranh và đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm dịu bớt và không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này cho rằng điều cần thiết là ASEAN phải đề cao tầm quan trọng của hai siêu cường đối với khu vực; đảm bảo mối quan hệ giữa họ được ổn định và cạnh tranh, đối đầu Mỹ-Trung không kết thúc bằng xung đột.

Cựu Ngoại trưởng Marty cũng cho rằng ASEAN thực sự có thể giúp hai bên trao đổi, cung cấp diễn đàn và nền tảng để hai nước thảo luận các vấn đề cùng quan tâm. Suy cho cùng, Mỹ, Trung Quốc và cả ASEAN đều được hưởng lợi từ nền hòa bình lâu dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ông Marty, ASEAN cần phát đi thông điệp rõ ràng rằng không có chỗ cho sử dụng vũ lực trong khu vực và rằng mọi tranh chấp, bất đồng giữa các nước đều phải được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tại phiên thảo luận, các quan chức và các nhà hoạch định chính sách ASEAN cũng chia sẻ thông tin về việc thiết lập hành lang du lịch trong khu vực, viện trợ vaccine của Mỹ và Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; vấn đề Biển Đông và sông Mekong; và phát huy vai trò của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Myanmar...

Được khởi xướng vào năm 2017, Diễn đàn Truyền thông ASEAN là hoạt động thường niên do Ban thư ký ASEAN tổ chức nhằm cung cấp cho các nhà báo và phóng viên trong khu vực những thông tin cập nhật, chuyên sâu về tình hình hợp tác ASEAN, những cơ hội và thách thức mà ASEAN đang đối mặt cũng như những lợi ích Cộng đồng ASEAN mang lại cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục