ASEAN tăng cường thúc đẩy hợp tác đảm bảo quyền con người

Đối thoại cấp cao về quyền con người ASEAN - Đánh giá 10 năm phát triển của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) được tổ chức ngày 9/5, tại thủ đô Jakarta của Indonesia.
Quang cảnh cuộc Đối thoại cấp cao về quyền con người ASEAN. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)
Quang cảnh cuộc Đối thoại cấp cao về quyền con người ASEAN. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Ngày 9/5, Diễn đàn châu Á về nhân quyền và phát triển (FORUM-ASIA), Nghị viện ASEAN về quyền con người (APHR) cùng Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phối hợp tổ chức Đối thoại cấp cao về quyền con người ASEAN - Đánh giá 10 năm phát triển của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR).

Cuộc họp tập hợp các chuyên gia nhân quyền, các nhà lãnh đạo tư tưởng, các nhân vật chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, các học giả để thảo luận và làm nổi bật các thành tựu quan trọng, những thách thức, cơ hội và đưa ra những khuyến nghị trên cơ sở đánh giá tổng quan 10 năm của AICHR. Đây cũng là dịp kích hoạt hành động chính trị tập thể nhằm thúc đẩy các nhiệm vụ của AICHR thông qua các đề xuất và tăng cường các biện pháp nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia M. Fachir cho rằng AICHR cần giành được vị trí hàng đầu trong việc không chỉ thúc đẩy công lý mà còn phải bảo vệ quyền của người dân ASEAN. Ở tuổi thứ 10, AICHR cần có một bước đột phá mới để cải thiện hiệu suất trong khu vực. AICHR có thể tăng cường sự sáng tạo để tối đa hóa không chỉ việc bảo vệ con người mà còn cần có những đóng góp nhằm thúc đẩy cơ hội phát triển và đảm bảo hòa bình của khu vực.

Với vai trò là Ủy viên Hội đồng quyền con người của Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2022, Indonesia cam kết là đối tác thực sự của dân chủ, phát triển và công bằng xã hội, luôn đảm bảo quyền con người và hướng đến các mục tiêu liên quan đến quá trình này.

Trả lời phóng viên VietnamPlus, ông Phillips, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khẳng định: “Trong 10 năm qua, AICHR đã thúc đẩy thành công các công cụ khu vực như Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD) vào năm 2012, Kế hoạch tổng thể ASEAN đến năm 2025, Chính thống hóa các quyền của người khuyết tật năm 2018… Trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều trường hợp nhân quyền vẫn cần phải giải quyết, nhiều thách thức cần phải vượt qua và chúng ta cần phải hợp tác cùng với nhau.”

[ASEAN và Liên hợp quốc rà soát hợp tác đến năm 2020]

Ông Phillips cho biết thêm, các quốc gia trong khu vực cần liên kết chặt chẽ với nhau và tương lai sẽ tươi sáng hơn nhiều nếu hợp tác cùng nhau trong sự phát triển kinh tế xã hội, hòa bình và an ninh, trong đó có cả lĩnh vực bảo vệ nhân quyền. Với những nỗ lực cao nhất, chúng ta hy vọng có thể cải thiện nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của AICHR ngày một mạnh mẽ.

Tại cuộc đối thoại, các đại biểu đã điểm lại một số tiến bộ đã được thực hiện kể từ khi AICHR được thành lập như Tuyên bố Nhân quyền ASEAN được thông qua vào năm 2012. Các quốc gia thành viên ASEAN đã thông qua Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động nhập cư năm 2016, cũng như Công ước ASEAN về buôn bán người (ACTIP) năm 2017. Tất cả những nỗ lực này nhằm thể hiện các tiêu chuẩn về quyền con người trong ASEAN.

Về những thách thức, các đại biểu nhận định, bên cạnh những tiến bộ, hiện nay tình trạng nhân quyền ở một số nơi trong các quốc gia thành viên ASEAN vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Ngoài ra, nguyên tắc không can thiệp của ASEAN, cũng áp dụng cho các tổ chức nhân quyền của mình, vẫn được cho là một trở ngại trong giải quyết các vi phạm quyền con người.

Kể từ khi thành lập, AICHR có nhiệm vụ xây dựng các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực thông qua giáo dục, giám sát, phổ biến các giá trị và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế theo quy định của Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền, Tuyên bố Vienna và các công cụ nhân quyền khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục