ASEAN thảo luận các ưu tiên trong năm Chủ tịch 2023 của Indonesia

Về tư cách thành viên của Timor-Leste, hội nghị thảo luận về lộ trình kết nạp quốc gia này làm thành viên chính thức ASEAN, trong đó có các yếu tố quan trọng như công cụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính.
ASEAN thảo luận các ưu tiên trong năm Chủ tịch 2023 của Indonesia ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 33. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ngày 8/5 tại Labuan Bajo, Indonesia, đã thảo luận về các ưu tiên của nước Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023, cũng như công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42.

Vụ trưởng Hợp tác ASEAN kiêm Trưởng SOM của Indonesia, ông Sidharto Reza Suryodipuro, cho biết các mối quan hệ đối ngoại của ASEAN, chẳng hạn như việc xin gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Saudi Arabia, Panama và Tây Ban Nha, cùng các vấn đề khác cũng đã được thảo luận tại hội nghị.

Trong tuyên bố ngày 9/5, ông Sidharto tiết lộ rằng kế hoạch tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN-Canada, Hội nghị Cấp cao Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh-ASEAN, và Hội nghị về các giá trị văn minh chung ASEAN cũng là chủ đề được các đại biểu thảo luận.

Cũng trong ngày 8/5, ngoài SOM, cuộc họp của Nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN về Timor-Leste cũng đã được tổ chức.

Cả hai cuộc họp này có sự tham dự của đại diện 11 nước Đông Nam Á, trong đó Timor-Leste tham dự với tư cách “thành viên về nguyên tắc,” cũng như các đại diện phi chính trị của Myanmar.

Về tư cách thành viên của Timor-Leste, ông Sidharto cho hay hội nghị đã thảo luận về lộ trình kết nạp quốc gia này làm thành viên chính thức của ASEAN, trong đó có các yếu tố quan trọng như công cụ pháp lý, nghĩa vụ đóng góp tài chính và tăng cường năng lực của bộ máy dân sự nhà nước.

Cũng theo ông Sidharto, các vấn đề ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 và các lợi ích chung của ASEAN sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong ngày 9/5, trước khi được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào ngày 10-11/5.

Cùng ngày 9/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 26 và Hội đồng Điều phối ASEAN 33.

Các bộ trưởng ngoại giao rà soát mọi mặt công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, trong đó thống nhất chương trình hoạt động, nghị sự và các văn kiện sẽ trình lên các lãnh đạo cấp cao.

[Các Ngoại trưởng rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị ASEAN 42]

Các bộ trưởng cũng đã xem xét nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có những văn kiện có ý nghĩa định hướng lâu dài như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, cũng như những lĩnh vực hợp tác cụ thể, thiết thực như phát triển hệ sinh thái xe điện, kết nối thanh toán khu vực, mạng lưới làng xã.

Các bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian thảo luận các trọng tâm, ưu tiên và các vấn đề thuộc quan tâm chung của ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các bộ trưởng chia sẻ nhận định tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cùng nhiều thách thức rủi ro, tiềm ẩn tác động đến ASEAN.

Các nước nhất trí sẽ tăng cường các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, từ đó bảo đảm độc lập và tự chủ, chủ động và linh hoạt thích ứng trước biến động, thực sự là trung tâm trong cấu trúc khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục