Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Trung Quốc lần thứ 24, hai bên đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đồng thời công nhận lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ghi nhận tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), hai bên hoan nghênh việc tiếp tục đọc bản dự thảo thứ hai của Văn kiện đàm phán COC duy nhất bất chấp các thách thức do đại dịch COVID-19, đồng thời khen ngợi thỏa thuận tạm thời về phần Mở đầu và tiến trình đàm phán phần Mục tiêu trong Điều khoản chung; khuyến khích đạt tiến triển nhằm sớm đúc kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC và hoan nghênh các biện pháp thiết thực giúp giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai lầm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Nhân dịp này, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi.
Hai bên ghi nhận những thành tựu đã đạt được kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc vào năm 1991 và hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện này trong năm nay.
Nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của khu vực, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF).
[ASEAN-Trung Quốc tăng cường hợp tác giúp khu vực phục hồi sau đại dịch]
Hai bên nhất trí tìm cách tăng cường hợp tác kỹ thuật ASEAN-Trung Quốc thông qua hợp tác khả thi với Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc (CIDCA) trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của ASEAN và các nước thành viên; nhất trí tiến hành nghiên cứu khả thi chung nhằm xác định các lĩnh vực có thể được bổ sung vào Khu vực Tự do thương mại Trung Quốc-ASEAN (ACFTA).
Hai bên hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và đầu tư song phương bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009. Năm 2020, ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau với tổng giá trị thương mại hàng hóa đạt 516,9 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang ASEAN lên tới 7,6 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn FDI của ASEAN, đưa Trung Quốc trở thành nguồn FDI lớn thứ tư trong số các đối tác đối thoại của ASEAN.
Ghi nhận tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số đối với khả năng phục hồi của khu vực, hai bên mong muốn sớm xây dựng Kế hoạch hành động về triển khai Quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc về hợp tác kinh tế kỹ thuật số giai đoạn 2021-2025.
ASEAN hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN (ASCN) nhằm xây dựng quan hệ đối tác thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và bền vững trong khu vực.
Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường giao lưu nhân dân gần gũi hơn thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, dạy nghề và hướng nghiệp, du lịch, và truyền thông; nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác trong quản lý thiên tai, cũng như trong các lĩnh vực liên quan phát triển bền vững./.