ASEAN và Myanmar trong bài toán hồi hương người Rohingya

Triển vọng đưa ra những tuyên bố đa phương ấn tượng hoặc các đề xuất chính sách về cuộc khủng hoảng Rohingya vẫn chưa có gì chắc chắn tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 sẽ diễn ra từ ngày 11-15/11.
ASEAN và Myanmar trong bài toán hồi hương người Rohingya ảnh 1Người di cư Rohingya tại trại tị nạn Nayapara gần Cox's Bazar, Bangladesh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng atimes.com/RFI, khi Myanmar và Bangladesh thực hiện thỏa thuận song phương để hồi hương hàng trăm nghìn người tị nạn Hồi giáo Rohingya, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hoàn toàn lâm vào bế tắc khi phải tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất khu vực kéo dài cả một thế hệ này.

Điều đó nhấn mạnh sự bất lực khó chữa của tổ chức gồm 10 thành viên này trong việc tạo dựng một quan điểm tập thể đầy ý nghĩa.

Ngày 22/10, các phương tiện truyền thông trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết một “lực lượng đặc nhiệm” của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, đã lên kế hoạch tới Myanmar vào cuối tháng 10 để thảo luận về vấn đề người tị nạn Rohingya trở về Myanmar. Một ngày sau, các phương tiện truyền thông Myanmar đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao của Singapore và Thái Lan sẽ sớm đến Myanmar để thảo luận về vấn đề hồi hương, và quá trình hồi hương sẽ bắt đầu vào năm 2019.

Báo Bangkok Post của Thái Lan cho biết “sứ mệnh được ASEAN phê chuẩn” sẽ “mang tới một thỏa thuận hồi hương an toàn” cho người tị nạn và có thể “tạo không khí” cho Hội nghị cấp cao ASEAN thường niên lần thứ 33 sắp diễn ra tại Singapore. Việc Ngoại trưởng Abdullah quả quyết về việc ASEAN sẽ giải quyết vấn đề này với tư cách là một “gia đình” đã phát đi một tín hiệu đoàn kết giữa các nước thành viên.

Vào lúc đó, có vẻ như ASEAN - vốn được biết đến với sự kiên định cứng đầu trong chính sách ngoại giao đa phương dựa trên đồng thuận - cuối cùng đã đạt được một tầm nhìn chung về một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất mà tổ chức này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.

[Vấn đề người Rohingya - Ngã rẽ quan trọng của Myanmar]

Tuy nhiên, vào ngày 24/10, Bộ Ngoại giao Singapore bất ngờ phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ lực lượng đặc nhiệm ASEAN nào chịu trách nhiệm về vấn đề hồi hương người Rohingya. Hai ngày sau, báo Jakarta Post đưa tin Myanmar đã “hoan nghênh lực lượng đặc nhiệm có giới hạn của ASEAN,” và việc đó có vẻ đã chọc giận Indonesia, nước luôn muốn tất cả các nước thành viên ASEAN đều phải tham gia bình đẳng. Những hiểu lầm và rối loạn một lần nữa bao trùm tổ chức này.

Việc Singapore nhanh chóng phủ nhận tuyên bố của Abdullah và sự phản đối rõ ràng của Indonesia cho thấy ASEAN vẫn bị chia rẽ rõ rệt hơn bao giờ hết về cách thức đối phó với khủng hoảng Rohingya.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát, ASEAN đã thất bại trong việc xây dựng sự đồng thuận về một vấn đề đã thách thức mối ràng buộc của tổ chức này. Trong khi đa số người Hồi giáo Malaysia và Indonesia đã thẳng thừng chỉ trích cách giải quyết khủng hoảng của Chính phủ Myanmar, những nước khác như Singapore, Campuchia và Philippines lại kiềm chế tiếng nói của mình.

Mặc dù không gian để ASEAN tìm ra một giải pháp cho tình hình Rohingya là rất hạn chế, đặc biệt là bởi nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước thành viên ASEAN, nhưng dù sao việc này cũng vẫn rất quan trọng. Đối với một tổ chức đa phương nổi bật như vậy, việc giải quyết dở dang một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn như vậy là điều không thể biện hộ được.

Tuy nhiên, thực tế, khủng hoảng Rohingya là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và gây chia rẽ đối với ASEAN. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng nhân đạo bình thường, mà là một vấn đề chính trị chủ yếu liên quan đến bản sắc, nhận thức xã hội và quyền tự quyết. Đồng thuận trong những vấn đề như vậy không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng đạt được.

Singapore và Thái Lan là những trường hợp điển hình. Là chủ tịch luân phiên ASEAN hiện tại và năm tới, cả hai quốc gia đang hoặc sẽ nắm giữ quyền lực to lớn trực tiếp chỉ đạo cách đối phó của tổ chức đối với cuộc khủng hoảng Rohingya.

Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Myanmar trong năm nay, với tổng vốn đầu tư đạt 19,8 tỷ USD tính đến tháng 9/2018. Mối quan hệ kinh tế phát triển độc đáo này mang lại cho Singapore đòn bẩy ngoại giao quan trọng với Nay Pyi Taw. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có hai mặt.

Một mặt, Singapore có thể tận dụng mối quan hệ song phương mạnh mẽ như một cách đòi hỏi nhượng bộ từ Nay Pyi Taw trong vấn đề Rohingya với tư cách chủ tịch ASEAN, mặt khác, nước này có thể chỉ lớn tiếng trên danh nghĩa để tránh làm cẳng thẳng quan hệ song phương với Chính phủ Myanmar.

Mối quan hệ giữa Myanmar và Thái Lan cũng là một trở ngại khác đối với tiềm năng tạo sức ép tập thể của ASEAN đối với Myanmar.

Thái Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 2.204km với Myanmar, vẫn là một trong những đối tác khu vực đáng tin cậy nhất của Nay Pyi Taw. Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba của Myanmar sau Trung Quốc và Singapore, với tổng đầu tư được phê duyệt là 14,3 triệu USD tính đến tháng 9/2018.

Hai nước đã đàm phán thành công và tỉ mỉ các vấn đề song phương phức tạp trong những năm qua. Thái Lan hiện thường xuyên tổ chức các cuộc họp không chính thức với các tổ chức vũ trang dân tộc và các đại diện Chính phủ Myanmar như một phần trong tiến trình hòa bình đang tiếp diễn. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bangkok đã âm thầm ủng hộ Nay Pyi Taw trong vấn đề Rohingya từ khi những căng thẳng chỉ mới bắt đầu.

Trong bối cảnh này, triển vọng đưa ra những tuyên bố đa phương ấn tượng hoặc các đề xuất chính sách về cuộc khủng hoảng Rohingya vẫn chưa có gì chắc chắn tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 sẽ diễn ra từ ngày 11-15/11 tới.

Hơn nữa, vị thế của ASEAN được cho là đã bị tổn hại khi dành sự ủng hộ của mình cho Ủy ban điều tra độc lập do Myanmar bổ nhiệm, có nhiệm vụ thu thập các bằng chứng về các cáo buộc liên quan đến các tội ác chiến tranh do cộng đồng quốc tế đưa ra nhằm chống lại quân đội Myanmar. Ủy ban này đã bị chỉ trích vì thiếu sự độc lập và “đổi trắng thay đen” các tội ác của quân đội Myanmar.

Điều này khiến ASEAN hầu như không thể hỗ trợ các cơ chế quốc tế khác về trách nhiệm giải trình, như cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế hoặc “cơ chế độc lập” của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc để thu thập và phân tích bằng chứng - những điều mà Nay Pyi Taw thẳng thừng bác bỏ. Do đó, sự liên quan của ASEAN trong việc giải quyết khủng hoảng người tị nạn Rohingya là rất đáng nghi ngờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục