Australia bầu cử sớm: Canh bạc mạo hiểm của Thủ tướng Turnbull

Với việc tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, Thủ tướng Australia Turnbull đã đặt vận mệnh chính trị của mình cũng như đảng Tự do vào một canh bạc mạo hiểm.
Australia bầu cử sớm: Canh bạc mạo hiểm của Thủ tướng Turnbull ảnh 1Thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu trong cuộc họp báo tại Canberra ngày 8/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau nhiều chờ đợi, cuối cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã chính thức tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 2/7 tới, đồng thời phát động chiến dịch tranh cử kéo dài 8 tuần.

Dù có nhiều đảng tham gia tranh cử, song trong cuộc đua này thực sự chỉ là cuộc đua “song mã” giữa hai đảng lớn là đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Turnbull và Công đảng đối lập do ông Bill Shorten đứng đầu.

Với quyết định đề nghị giải tán cả hai viện Quốc hội để bầu cử trước thời hạn - điều chưa từng xảy ra ở Australia suốt 30 năm qua, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với Liên đảng giảm sút nghiêm trọng và gần như ngang bằng với Công đảng - Thủ tướng Turnbull thực sự đã đặt vận mệnh chính trị của mình cũng như đảng Tự do vào một canh bạc mạo hiểm.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri khá sít sao với khoảng 51% dành cho đảng Tự do và 49% dành cho Công đảng, và nếu tính cả số cử tri ưu tiên thì con số này là 50-50.

Chính vì vậy, cuộc tổng tuyển cử sắp tới nhiều khả năng sẽ diễn ra khốc liệt với kết quả rất khó đoán định.

Trong khi đó, chính sách hay chương trình hành động mà đảng Tự do đặt cược vào canh bạc này vẫn chủ yếu tập trung vào kinh tế, vốn là thế mạnh truyền thống của đảng cũng như cá nhân ông Turnbull, chứ không phải những vấn đề được cử tri quan tâm nhiều như chống biến đổi khí hậu, hôn nhân đồng giới...

Các chính sách cụ thể gồm bảo vệ dự thảo ngân sách mà chính phủ vừa đưa ra tuần trước với mục tiêu tăng việc làm, đặc biệt giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh thiếu niên và thúc đẩy tăng trưởng, cải cách thuế...

Mặc dù kinh tế Australia năm vừa qua tăng tới 3%, mức cao nhất trong các nước phát triển, song chính phủ của ông Turnbull cho rằng vẫn cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa để giúp chuyển đổi thành công nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào ngành khai mỏ thời hoàng kim của mấy chục năm trước sang nền kinh tế dựa vào nhiều nguồn lực hơn.

Trong khi đó, Công đảng đối lập tập trung vào bảo vệ tầng lớp người lao động, những ưu tiên cho giáo dục, y tế, chống biến đổi khí hậu, bình đẳng giới...

Chính vì thế, Thủ tướng Turnbull cho rằng với cương lĩnh tranh cử khá khác biệt như vậy, cử tri sẽ có sự lựa chọn “không thể rõ ràng hơn.”

Tuy nhiên, thay vì tập trung đề cao các chính sách của mình, nhiều người đã sớm nhận ra đây là một chiến dịch tranh cử chủ yếu nghiêng về chỉ trích những tiêu cực của nhau khi chính bản thân ông Turnbull đã sử dụng ngay cuộc họp báo đầu tiên sau khi kêu gọi bầu cử trước thời hạn để tố cáo Công đảng có những kế hoạch làm hủy hoại kinh tế, ngăn chặn đà chuyển đổi của nền kinh tế Australia.

Một điểm nữa được xem là không mấy thuận lợi cho đảng Tự do cầm quyền là thời gian vận động tranh cử kéo dài.

Tính từ thời điểm giải tán hai viện Quốc hội để bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử ngày 9/5 đến thời điểm bỏ phiếu là 8 tuần lễ, khoảng thời gian được cho là dài nhất kể từ năm 1966.

Từ trước đến nay, rất ít chiến dịch tranh cử ở Australia kéo dài quá 50 ngày và cũng đã có nhiều bài học cho thấy kể cả những chính phủ được dẫn dắt bởi những thủ tướng nổi tiếng cũng suýt bị “ngã ngựa” do chiến dịch vận động tranh cử kéo dài gây bất lợi cho đảng cầm quyền.

Điển hình là năm 1984 dưới thời cựu Thủ tướng Bob Hawke. Bản thân ông Bob Hawke rất được lòng cử tri và vào thời điểm trước chiến dịch tranh cử, tỷ lệ ủng hộ ông là 75%. Thế nhưng, sau 53 ngày tranh cử, đảng cầm quyền của ông chỉ thắng với kết quả sát nút.

Việc Chính phủ đề nghị giải tán cả hai viện Quốc hội để bầu cử trước thời hạn là do các dự luật mà chính phủ đưa ra thường bị chặn lại ở Thượng viện.

Cử tri sẽ phải bầu lại toàn bộ 150 ghế nghị sỹ tại Hạ viện và 76 ghế tại Thượng viện, khác cuộc bầu cử theo đúng lịch trình là chỉ bầu lại Hạ viện và 1/2 số ghế tại Thượng viện.

Số ghế tại Thượng viện lại được phân bổ theo khu vực với mỗi bang trong 6 bang ở Australia được bầu 12 nghị sỹ và 2 vùng lãnh thổ với mỗi nơi được bầu 2 nghị sỹ.

Đảng nào (hoặc liên danh được với đảng nhỏ hơn) giành được đa số ghế tại Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ. Thế nên, dù đảng Tự do của Thủ tướng Turnbull có giành chiến thắng thì cũng chưa có gì đảm bảo sẽ giành được đa số ủng hộ tại Thượng viện để các chính sách dễ dàng được thông qua.

Với việc kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào thời điểm không có nhiều thuận lợi cho Liên đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền hiện nay, Thủ tướng Turnbull thực sự đang đặt mình vào thế khó./.

Khánh Linh

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.