Australia có thể mất vị trí lãnh đạo tại châu Nam Cực

Các chuyên gia cảnh báo Chính phủ liên bang Australia đang có nguy cơ mất vị trí lãnh đạo tại châu Nam Cực, cũng như yêu sách chủ quyền đối với lục địa băng giá này.
Australia có thể mất vị trí lãnh đạo tại châu Nam Cực ảnh 1Biển Ross ở Nam Cực. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 13/12, các chuyên gia cảnh báo Chính phủ liên bang Australia đang có nguy cơ mất vị trí lãnh đạo tại châu Nam Cực, cũng như yêu sách chủ quyền đối với lục địa băng giá này, nếu Australia không duy trì nguồn tài trợ cho chương trình nghiên cứu khoa học tại đó.

Australia khẳng định chủ quyền đối với hơn 42% lãnh thổ Nam Cực, và có những mối quan hệ lịch sử sâu sắc với lục địa, nhưng một số “người chơi mới” đang nổi lên và thách thức chủ quyền của Australia.

Tiến sỹ Anthony Bergin, nhà phân tích cao cấp của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI), lo ngại các nước như Trung Quốc và Nga “đang chơi một trò chơi lâu dài ở Nam Cực” và cho rằng cả hai đang rất muốn khai thác lục địa này.

Theo ông Bergin, nếu Hiệp ước châu Nam Cực sụp đổ, khi đó các nước có thể theo đuổi sự hiện diện quân sự ở đây.

Australia là một trong 12 nước ký Hiệp ước bảo đảm Nam Cực vẫn là một khu vực bảo tồn: tự do khai thác khoáng sản, thăm dò và quan trọng hơn là đặt các căn cứ quân sự.

Trong khi giá trị kinh tế của Nam Cực không thể đo đếm, thì nơi đây có thể có trữ lượng lớn về khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt, và một loài sinh vật biển còn nguyên vẹn.

Thượng nghị sỹ liên bang thuộc Công đảng đối lập, ông David Feeney cho rằng các quy tắc toàn cầu quản lý Nam Cực có thể sẽ được viết lại trong một vài thập niên tới và Australia cần phải duy trì ảnh hưởng của mình trên bàn đàm phán để bảo đảm duy trì sự nguyên trạng.

Trong khi Australia có ba cơ sở nghiên cứu khoa học và một tàu phá băng mới, thì Trung Quốc đang tìm kiếm địa điểm cho cơ sở nghiên cứu thứ năm và xây dựng một đội tàu phá băng mới.

Ông Feeney cho biết các nhà khoa học Australia cũng không thể đi đến lục địa này trong suốt thời gian khí hậu khắc nghiệt và không có khả năng đi qua để về bên trong lãnh thổ của Australia.

Theo ông Feeney, ngân quỹ nghèo nàn trong nhiều năm qua đã làm xói mòn chỗ đứng của Australia ở Nam Cực và đến lúc Australia cần phải nghiêm túc hơn về sự hiện diện và đầu tư cho khu vực này.

Bộ trưởng Môi trường Josh Frydenberg chịu trách nhiệm giám sát một khoản quỹ 200 triệu AUD được thúc đẩy trong năm nay cho chương trình Nam Cực đã trở thành bộ trưởng đầu tiên trong bốn năm qua đến thăm các nhà khoa học Australia đang làm việc tại lục địa băng giá này.

Theo ông Frydenberg, chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull đang đưa ra một “cam kết tài chính kỷ lục” cho Nam Cực và nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của Australia tại khu vực này.

Ông Frydenberg nói: “Vai trò lãnh đạo của Australia tại khu vực này là không thể thiếu vì đó là một tài sản chiến lược, một tài sản kinh tế và dĩ nhiên là một tài sản quan trọng về môi trường, do vậy Australia sẽ phải tiếp tục hiện diện lâu dài tại đó.”

Australia là một trong những nước hàng đầu về nghiên cứu khoa học. Điều quan trọng là Australia phải tiếp tục đầu tư lớn để hỗ trợ nghiên cứu khoa học - điều rất cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của người dân chứ không chỉ là vì tò mò khám phá.

Chính phủ đã phát triển một kế hoạch chiến lược 20 năm mà lần đầu tiên đặt ra các lợi ích chiến lược và mục tiêu dài hạn của Australia tại châu Nam Cực.

Kế hoạch này nêu bật sự cần thiết phải nâng cấp các trạm nghiên cứu lỗi thời và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) trong việc khai thác các chuyến bay quanh năm để hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học tại Nam Cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.