Australia đầu tư 400 triệu USD bảo tồn rạn san hô lớn nhất thế giới

Australia cam kết đầu tư 500 triệu AUD (tương ứng 400 triệu USD) cho các dự án cải tạo và bảo tồn Great Barrier - rạn san hô lớn nhất thế giới ở Australia.
Rạn san hô Great Barrier ở Australia bị tẩy trắng. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Là địa điểm thu hút hàng triệu du khách, song Great Barrier - rạn san hô lớn nhất thế giới ở Australia đang bị hủy hoại trên diện rộng do bị tẩy trắng - hệ lụy từ tình trạng nước biển ấm lên bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng này, Australia cam kết đầu tư 500 triệu AUD (tương ứng 400 triệu USD) cho các dự án cải tạo và bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới này.

Trong thông báo ngày 29/4, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết khoản tiền nói trên sẽ được chi cho các dự án cải thiện chất lượng nước, diệt trừ các loài sinh vật có hại đối với san hô và mở rộng các nỗ lực cải tạo và bảo tồn biển.

Nhà lãnh đạo Australia khẳng định đây là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất của Australia trong công tác bảo tồn Great Barrier, gìn giữ sự sống của rạn san hô này, đồng thời bảo vệ 64.000 việc làm phụ thuộc vào di sản thiên nhiên Great Barrier cũng như chi cho các hoạt động khác. Mỗi năm, Great Barrier đóng góp 6,4 tỷ AUD cho nền kinh tế Australia.

[99% diện tích rạn san hô từ sinh vật vỏ cứng đã biến mất ở Australia]

Trước đó, Canberra từng cam kết đầu tư 2 tỷ AUD cho hoạt động bảo tồn điểm đến được du khách yêu thích này trong thập niên tới, tuy nhiên, Chính phủ Australia đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ khi ủng hộ dự án xây nhà máy điện than lớn gần khu vực thiên nhiên này.

Hiện, Australia được xem là một trong những quốc gia có chỉ số khí thải gây hiệu ứng nhà kính tính trên đầu người cao nhất thế giới. Australia cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 25-28% lượng khí thải so mức với năm 2005.

Các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh nỗ lực của Australia, đánh giá hoạt động đầu tư bảo tồn là "bước đi quan trọng," song cảnh báo yếu tố đe dọa sự sống của các rạn san hô là nhiệt độ Trái Đất tăng cao và các nỗ lực kiềm chế nhiệt độ thông qua chính sách năng lượng sạch vẫn chưa đươc thực hiện đầy đủ.

Báo cáo của các nhà khoa học công bố hồi đầu tháng 4 cho thấy diện tích san hô ở Great Barrier chết đi không ngừng mở rộng trong suốt đợt nắng nóng năm 2016, đe dọa sự sống của cả một vùng san hô rộng lớn hơn.

Ngoài yếu tố khí hậu, Great Barrier hiện nay đang đối mặt với sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng số lượng các loài động vật có hại ăn san hô như sao biển gai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục