Australia kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Ngoại trưởng Australia đã yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, trong bối cảnh giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển này đang là một ưu tiên hàng đầu.
Australia kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ trên Biển Đông ảnh 1Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn: nytimes.com)

Đài TNHK đưa tin ngày 11/5, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, trong bối cảnh giảm thiểu căng thẳng trên vùng biển này đang là một ưu tiên hàng đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Canberra, Ngoại trưởng Australia nói rằng các nước châu Á đã thảo luận về vấn đề này và khẳng định lập trường của họ, “bày tỏ quan ngại sâu sắc trong trường hợp có bất cứ động thái nào nhằm áp đặt một ADIZ ở Biển Đông.”

Ngoại trưởng Bishop nói: “Các tuyến đường thương mại quan trọng của chúng tôi đi qua Ấn Độ Đương tới các vùng biển phía Bắc, cho nên chúng tôi rất kiên định với lập trường là các nước phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không nên có hành động đơn phương. Bà cho biết Australia đã trình bày các quan điểm của mình “một cách công khai cũng như trong vòng (đàm phán) kín với các quốc gia có liên quan.”

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, song từ tháng 11/2013, sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông, bà Bishop đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia triệu Đại sứ Trung Quốc để bày tỏ những quan ngại của bà về ADIZ ở vùng biển này.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gần đây đã đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trang mạng chuyên về vấn đề quốc phòng IHS Jane nói rằng các hoạt động đó bao gồm việc xây dựng một đường băng trên đảo Đá Chữ Thập, đủ lớn để các máy bay quân sự của Trung Quốc sử dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.