Australia lý giải nguyên nhân hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp

Bộ trưởng Dutton cho biết chính phủ của ông đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch.
Australia lý giải nguyên nhân hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton. (ABC News)

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 19/9 cho biết Canberra đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Paris về những lo ngại của họ về một thỏa thuận mua tàu ngầm lớn của Pháp trước khi phá bỏ hợp đồng.

Phát biểu với kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Dutton cho biết chính phủ của ông đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch.

Ông nhấn mạnh: "Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm."

Trước đó, Pháp đã rất tức giận trước quyết định của Australia rút khỏi một thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trị giá nhiều chục tỷ USD để quay sang mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

[NATO lên tiếng về bất đồng vụ tàu ngầm giữa Pháp với Mỹ và Australia]

Paris đã triệu hồi các đại sứ từ Canberra và Washington về nước để tham vấn, đồng thời cáo buộc các đồng minh "nói dối" về kế hoạch của họ. Đây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi đại sứ từ Mỹ từ khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1778.

Theo ông Dutton, Canberra đã không thể mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Pháp vì đòi hỏi phải sạc pin trong khi các tàu ngầm của Mỹ thì không cần.

Với việc hạm đội tàu ngầm mới của Australia dự kiến sẽ không thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới, ông Dutton cho biết Canberra có thể cân nhắc việc thuê hoặc mua các tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh trong thời gian tạm thời.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden lấy làm tiếc về động thái của Pháp và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng của họ.

Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết bà hiểu "sự thất vọng" của Pháp và hy vọng sẽ làm việc với Pháp để đảm bảo nước này hiểu "giá trị mà chúng tôi đặt lên mối quan hệ song phương"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.