Australia phản đối Nhật Bản đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá voi

Australia tuyên bố sẽ phản đối kịch liệt mọi nỗ lực của Nhật Bản thúc đẩy việc gỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá voi toàn cầu, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cùng hành động để ngăn cản tiến trình này.
Australia phản đối Nhật Bản đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá voi ảnh 1Cá voi sau khi bị đánh bắt được đưa lên boong tàu của Nhật Bản ở ngoài khơi vùng biển Nam Cực. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 2/8, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã kêu gọi các quốc gia lên tiếng yêu cầu Nhật Bản dừng đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá voi toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Australia tuyên bố sẽ phản đối kịch liệt mọi nỗ lực của Nhật Bản thúc đẩy việc gỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá voi toàn cầu, hiện đã duy trì trong suốt 30 năm qua.

Australia kêu gọi các quốc gia có chung tư tưởng hãy cùng hành động để ngăn cản tiến trình này.

Mới đây nhất, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn thu xếp một cuộc gặp mặt với Ủy ban Cá voi quốc tế (IWC) vào tháng Chín tới, với ý định yêu cầu xem xét ban hành một danh sách mở rộng số loài cá voi được phép đánh bắt phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

[Nhật Bản bị chỉ trích về chiến dịch bắt cá voi ngoài khơi biển Đông]

Ngoại trưởng Australia J. Bishop cho rằng việc lợi dụng những thay đổi về quy chế bỏ phiếu và các điều khoản thiết lập giới hạn khai thác thủy sản để đề xuất tháo dỡ lệnh cấm đánh bắt cá voi thương mại, được gọi dưới cái tên là đánh bắt phục vụ "nghiên cứu khoa học," là không chấp nhận được.

Bà Bishop nhấn mạnh Australia sẽ tiếp tục chống lại mọi hình thức đánh bắt cá voi trên toàn thế giới. Australia cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường chống lại tiến trình này.

Trong tuyên bố chung với Bộ trưởng Môi trường Australia Josh Frydenberg, bà Bishop khẳng định: "Australia sẽ không dừng lại cho đến khi đề xuất cho phép đánh bắt cá voi chấm dứt." 

Chính phủ Australia cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa án Tư pháp Quốc tế năm 2014 cho rằng chương trình đánh bắt cá voi Nam Đại Dương của Nhật Bản không nhằm dành cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Australia kêu gọi các quốc gia khác cùng nhau giám sát chặt chẽ hơn nữa các chương trình đánh bắt cá voi của Nhật Bản, hiện đang thực hiện tại Bắc Thái Bình Dương và Nam Đại Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.