Australia phạt nặng các mạng xã hội không gỡ bỏ nội dung cực đoan

Thủ tướng Australia Scott Morrison nhận định các nền tảng truyền thông xã hội có thể gỡ bỏ các nội dung khủng bố và nguy hiểm khác ở tốc độ chỉ trong nửa giây.
Australia phạt nặng các mạng xã hội không gỡ bỏ nội dung cực đoan ảnh 1Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Nguồn: AAP)

Australia đã cảnh báo các công ty truyền thông xã hội lớn rằng ban lãnh đạo công ty có thể bị bỏ tù nếu không nhanh chóng gỡ bỏ các nội dung cực đoạn trên nền tảng của họ.

Ngày 26/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã gặp gỡ một số doanh nghiệp công nghệ lớn, trong đó có Facebook, Twitter và Google để hỏi họ về cách lên kế hoạch ngăn các nền tảng này trở thành "vũ khí" của các phần tử khủng bố, trong bối cảnh Caberra đang cân nhắc đưa ra các luật mới sau vụ thảm sát tại New Zealand.

[Facebook thừa nhận không mã hóa 600 triệu mật khẩu người dùng]

Phát biểu với báo giới trước cuộc gặp, Thủ tướng Morrison nhận định các nền tảng truyền thông xã hội có thể khiến quảng cáo xuất hiện chỉ trong nửa giây, do đó họ hoàn toàn có thể gỡ bỏ các nội dung khủng bố và nguy hiểm khác ở tốc độ tương tự, cũng như thực sự nỗ lực để đảm bảo an toàn cho người dân Australia.

Tuy nhiên, sau cuộc gặp này, Tổng Chưởng lý Australia Christian Porter cho rằng phản ứng của các doanh nghiệp là chưa đủ tích cực.

Ông mong muốn qua cuộc thảo luận này, họ các thể giải đáp được làm thế nào để phản ứng nhanh hơn, hoặc làm sao để ngăn ngừa ngay lập tức việc livestream những nội dung bạo lực, cực đoan.

Ông cho biết Chính phủ Australia đang xem xét việc phạt tù đối với lãnh đạo các công ty theo luật mới.

Ông cũng cảnh báo luật Australia có khả năng áp dụng vượt qua biên giới dù trụ sở công ty đó ở đâu.

Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng Nigel Phair của Đại học New South Wales bày tỏ hoài nghi về khả năng áp đặt phạt tù trong trường hợp này, bởi luật này chỉ có thể áp dụng với ban giám đốc tại Australia chứ không phải những nhân vật chịu trách nhiệm duy trì và điều hành nền tảng này ở nơi khác.

Trong khi đó, Facebook khẳng định cam kết hợp tác với các lãnh đạo và cộng đồng tại New Zealand, Australia và các nước khác, cũng như với những công ty truyền thông và công nghệ nhằm giúp ngăn chặn các phát biểu mang tính hận thù và nguy cơ khủng bố.

Chính phủ Australia hiện đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm, bao gồm đại diện của các doanh nghiệp công nghệ để xem xét các biện pháp thích hợp đối với các bài đăng và tài liệu khủng bố lan truyền trên mạng Internet.

Hôm 15/3 vừa qua, vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại New Zealand đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của 50 người tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.

Nghi can chính là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi và là kẻ theo quan điểm "da trắng thượng đẳng."

Kẻ xả súng đã livestream vụ tấn công trên Facebook trong 17 phút. Đoạn video này không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội mà còn gần như không thể xóa được tận gốc.

Việc đoạn video này được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay Youtube, cũng như lan truyền trong các "ngóc ngách" khác trên Internet đã khiến các công ty công nghệ đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục