Australia tập trung rót tiền vào 'Bước tiến Thái Bình Dương'

Australia cắt giảm 42% viện trợ cho Đông Nam Á để hỗ trợ cho chương trình "Bước tiến Thái Bình Dương" - chương trình ra đời để tăng cường ảnh hưởng của Australia tại khu vực Thái Bình Dương.
Australia tập trung rót tiền vào 'Bước tiến Thái Bình Dương' ảnh 1Đồng đôla Australia. (Nguồn: ABC News)

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài viết của tác giả Ben Packham đăng trên trang The Australians về việc Chính phủ nước này quyết định cắt giảm viện trợ đối với các quốc gia châu Á để tập trung hơn vào chương trình "Bước tiến Thái Bình Dương." (Pacific step-up).

Các số liệu trong bản đánh giá viện trợ quốc tế do Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Alex Hawke thực hiện cho thấy Chính phủ Liên đảng Australia thời gian qua đã cắt giảm 42% viện trợ cho các quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ cho chương trình "Bước tiến Thái Bình Dương" (Pacific Step-up) - chương trình ra đời để tăng cường ảnh hưởng của Australia tại khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh các thách thức kinh tế và an ninh ngày càng tăng.

Trong khi đó tại Campuchia, quốc gia đang ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi Trung Quốc, viện trợ của Australia đã giảm 33% trong cùng thời gian. Con số cắt giảm viện trợ tại Lào và Philippines lần lượt là 41% và 44%.

Ở những nơi khác, viện trợ của Australia cho các khu vực Nam và Tây Á đã giảm 42%, trong khi hỗ trợ cho châu Phi và Trung Đông giảm 50%.

Đối với Indonesia và Việt Nam, hai nước đối tác chiến lược quan trọng, Australia đã cắt giảm 50% viện trợ trong 5 năm vừa qua.

Mặc dù Chính phủ Australia thời gian qua đã xác định cần phải tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương song một số quốc đảo vẫn bị nước này cắt giảm hỗ trợ vì những lý do khác nhau.

Nổi bật là trường hợp của Vanuatu, nơi đã bán hàng ngàn hộ chiếu cho các công ty của Trung Quốc để củng cố ngân sách quốc gia, đã mất đến 41% viện trợ Australia trong 5 năm qua, trong khi hỗ trợ của Australia cho Samoa giảm 14%.

Nhìn chung, ngân sách viện trợ của Australia đã giảm gần 1 tỷ AUD (khoảng 670 triệu USD) mỗi năm, phần lớn sự sụt giảm nằm ở các chương trình giáo dục và chi tiêu cho y tế với mức lần lượt là 430 và 260 triệu AUD.

Trong khi đó, dự kiến mức viện trợ của Australia cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn 2019-2020 sẽ đạt kỷ lục 1,4 tỷ AUD (khoảng 940 triệu USD), qua đó làm nổi bật lên sự quan tâm của Australia đối với khu vực này.

Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA), cựu Giám đốc Văn phòng Quốc gia Allan Gyngell đã cảnh báo Australia đang sử dụng chương trình viện trợ không hợp lý để tham gia với các đối tác quan trọng.

Theo chuyên gia này, việc tăng cường ảnh hưởng tại Thái Bình Dương là một điều tốt, song Đông Nam Á là một phần quan trọng của thế giới, nơi Australia có khả năng hợp tác với các đối tác quốc tế để định hình kết quả phù hợp nhất với ý nghĩa địa chính trị toàn cầu.

Herve Lemahieu, Giám đốc chương trình ngoại giao và quyền lực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Lowy, cho rằng chính phủ đang thực hiện bước tiến Thái Bình Dương cùng với bước lùi tại Đông Nam Á.

Trong khi Australia đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc tăng ảnh hưởng tại Đông Nam Á là một nhiệm vụ quan trọng thay vì tìm cách xây dựng các bức tường giữa khu vực Thái Bình Dương và các khu vực khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.